Trà sữa - món ăn vặt chứa năng lượng "siêu khổng lồ"

(Dân trí) - Chỉ uống một cốc trà sữa nhỏ trong tích tắc bạn đã nạp vào cơ thể khoảng 300kcal. Tuy nhiên, bạn sẽ mất khoảng 90 phút đi bộ mới tiêu hao hết được nguồn năng lượng từ cốc trà sữa tưởng nhỏ bé này.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cảnh báo, ngày càng nhiều người trẻ béo phì liên quan đến thói quen ăn uống, thích trà sữa, đồ ăn nhanh trong khi ít vận động.

Một cốc trà sữa nhỏ chứa khoảng 300 kcal, cốc cỡ lớn chứa khoảng 500kcal. Vì thế, nếu một ngày vẫn ăn đủ 3 bữa, lại nạp thêm cốc trà sữa, sự dư thừa, tích luỹ năng lượng sẽ tăng dần khiến bạn trở nên thừa cân, béo phì.

Trà sữa - món ăn vặt chứa năng lượng siêu khổng lồ - 1
Trà sữa - món ăn vặt yêu thích của giới trẻ chứa lượng kcal rất lớn.

Tương tự, một bát phở chứa khoảng 500kcal, vì thế, một bữa sáng chỉ dừng ở một bát phở sẽ giúp bạn cung cấp năng lượng . Còn nếu uống thêm cốc cà phê sữa sau bữa sáng, năng lượng nạp thêm từ 200 - 300kcal.

Để thực hiện chế độ giảm cân, người thừa cân phải hiểu về khoa học dinh dưỡng, biết được năng lượng thực phẩm khẩu phần chúng ta ăn vào hàng ngày, biết loại thực phẩm nào chứa nhiều năng lượng, thực phẩm nào ít năng lượng.

Ví dụ như dưa chuột, trong 100gram dưa chuột chỉ chứa 15kcal, khi nói, nếu ăn đến 200 - 300 gram dưa chuột, năng lượng nạp vào cũng chỉ 30 - 45kcal, bằng 1/10 năng lượng từ cốc trà sữa.

Hay các loại quả chín, chọn loại ít ngọt như dưa hấu, mận (gioi), bưởi 30kcalo cho 100gram.

PGS Lâm cũng cảnh báo, bên cạnh trà sữa, nước ngọt có ga, đồ ăn nhanh, bim bim là những món ăn ưa thích của trẻ.

Trong khi đó, một lon nước ngọt có đến 36g đường. Theo công bố trên nhãn của nhà sản xuất, 100 ml nước ngọt thì tạo ra 42 kcal. Thế nhưng một lon nước ngọt lại thường được đóng hơn 300ml và hầu hết mọi người đều có tâm lý, đã mở ra thì cố uống, bỏ thì tiếc nên lại uống cố, đồng nghĩa với việc sẽ nạp khoảng 140kcal.

Hay trong một gói mứt sấy khô, một gói bim bim năng lượng cung cấp đến 120kcal trong 100gram. Nguồn năng lượng được "nạp" vào rất nhanh, trong khi việc tiêu hao năng lượng lại vô cùng khó khăn.

Trung bình, bạn phải đạp xe 1 tiếng đồng hồ mới tiêu hao được khoảng 300kcal, đi bộ nhanh 70 phút mới tiêu hao được 200kcal. 

Béo phì có 20% là do duy trì, 80% còn lại là do yếu tố dinh dưỡng, vận động thể lực. Vì thế, điều chỉnh ăn uống, chọn lọc thực phẩm sẽ giúp giảm cân hiệu quả.

Thừa cân, béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Thừa cân, béo phì ở trẻ em đang là vấn đề thách thức sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.  Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, có khoảng 41 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5-19 tuổi bị thừa cân, béo phì.

Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh trong thập kỷ qua, đặt biệt là ở khu vực thành phố. Năm 1996 tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Hà Nội và TP HCM là 12%, sau 13 năm (năm 2009) tỷ lệ này 43%. Kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở TP HCM trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.

Để đánh giá trẻ bị thừa cân-béo phì ngoài việc quan sát hình thể của trẻ thì số đo cân năng và chiều cao cho phép ta nhận định một cách khách quan.

Đối với trẻ em từ 0-5 tuổi: trẻ coi là thừa cân khi chỉ số cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao dao động từ  2 độ lệch chuẩn (SD) đến 3< SD.  Trẻ coi là béo phì  khi cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao  ≥ 3 SD. (2). Đối với trẻ em 5-19 tuổi: trẻ được coi là thừa cân khi chỉ số khối cơ thể theo tuổi (BMI-Zscore) từ +1 SD  đến < 2SD.  Trẻ được coi là béo phì khi BMI ≥ 2SD.

Hồng Hải