TPHCM: Sốt xuất huyết bước vào mùa cao điểm

(Dân trí) - Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong ba tuần gần đây đã tăng gấp đôi so với các tuần trước, dự báo từ nay đến tháng 11 bệnh sẽ bước vào cao điểm. UBND thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan lên phương án phòng và dập dịch.

Thời tiết mưa nhiều đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển. Hiện, mỗi tuần toàn thành phố ghi nhận từ 200 - 250 ca phải nhập viện điều trị, số ca bệnh đã tăng gấp đôi những tuần trước.

Ghi nhận tại các bệnh viện, số bệnh nhân mắc bệnh SXH nhập viện điều trị ngày càng đông. Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đang điều trị nội trú hàng chục ca cả người lớn và trẻ em. Ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 mỗi ngày có 75 - 80 ca SXH điều trị nội trú, tăng 15 - 20 ca so với tháng trước.

Bệnh nhi mắc SXH phải điều trị thở máy tại Nhi Đồng 2
Bệnh nhi mắc SXH phải điều trị thở máy tại Nhi Đồng 2

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số bệnh nhi điều trị nội trú do mắc bệnh này cũng tăng thêm khoảng từ 30-40%. Ths.BS. Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm cho biết, nếu trước đó số ca điều trị SXH dao động từ 20 - 25 ca mỗi ngày thì nay đã tăng hơn 40 ca, trong đó có từ 5 - 10 trường hợp bệnh nặng.

Sở Y tế cảnh báo bệnh SXH đang tăng nhanh, các điểm nóng về số người mắc bệnh tập trung tại quận Bình Thạnh, Tân Bình, huyện Hóc Môn… Một tháng qua 50%, khu phố, ấp trên địa bàn có ca bệnh. Viện Pasteur thành phố cũng cảnh báo bệnh SXH có nhiều đặc điểm đáng lo ngại vì cả trẻ em lẫn người lớn đều mắc, khi bị biến chứng tỷ lệ tử vong rất cao.

Các chuyên gia y tế cho biết SXH là bệnh nhiễm trùng cấp tính, có quanh năm. Vào mùa mưa là báo hiệu mùa dịch SXH cũng bắt đầu lây lan nhanh và bùng phát. Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ nay đến tháng 11 là đợt cao điểm của dịch bệnh SXH. Dự báo trong thời gian tới dịch bệnh sẽ có những diến biến khó lường.

Trước tình hình trên, UBND thành phố chỉ đạo ngành y tế, các địa phương triển khai giải pháp phòng chống. Theo đó, các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện tiếp tục giám sát dịch tễ, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, không để dịch bệnh bùng phát. Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng chăm lo tiếp nhận và điều trị, tổ chức tuyên truyền giáo dục các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, nguy cơ và tác hại của dịch bệnh.

Người dân cần nâng cao ý thức vệ sinh, phòng dịch như: thường xuyên ngủ mùng; vệ sinh cá nhân, nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ; vệ sinh môi trường tại cộng đồng dân cư, trường học; khơi thông ao tù nước đọng để muỗi gây bệnh SXH không còn nơi sinh sản.

Vân Sơn