TP.HCM 'sợ' người nghiện tái đi tái lại

“Chỉ cần đi ngang chỗmua thuốc hoặc gặp người bạn cũ cắn thuốc với mình là lại thấy rất thèm, rất dễquay lại con đường cũ. Tôi hỏi giải pháp, các em nói là chỉ có cho các em lên rừnglên núi sống cách biệt vài năm thì có thể được”.

Đó là những lo lắng của bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trước tình hình người nghiện ngày một tăng ở TP.HCM tại buổi làm việc của đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu tại UBND TP.HCM vào ngày 28-5.

Báo cáo với đoàn công tác về tình hình cai nghiện ma túy, mại dâm ở TP.HCM, bà Thu cho biết hiện nay thực hiện theo quyết định của tòa án, hết thời gian theo quyết định thì họ được về cộng đồng, không có thời gian lao động tập trung lâu dài giúp quên đi ma túy.

Bà Thu chia sẻ: “Một năm hai lần tôi đến thăm các em, khi tiếp xúc gặp gỡ, các em đều nói rất thật tuy đã cai thành công trong trường nhưng nếu ra trường sẽ dễ dàng tái nghiện lại, trừ khi lý trí mạnh lắm mới vượt qua được. Chỉ cần đi ngang chỗ mua thuốc, nơi tụ tập hút chích hoặc gặp người bạn cũ cắn thuốc với mình là lại thấy rất thèm, rất dễ quay lại con đường cũ. Tôi hỏi giải pháp, các em nói là chỉ có cho các em lên rừng lên núi sống cách biệt vài năm thì có thể được.

Chúng tôi rất lo lắng về điều này trong khi số lượng vào trường mỗi năm mỗi tăng, đó là chưa kể con số bên ngoài còn rất nhiều do chưa phát hiện, gia đình chưa vận động”.

Các học viên tại Trường Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 1 (Đắc Nông). Ảnh: HL
Các học viên tại Trường Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 1 (Đắc Nông). Ảnh: HL

Cũng tại cuộc họp, theo báo cáo của ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp và gia tăng, tinh vi. Số người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố có hồ sơ quản lý tăng. Số người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp (ma túy đá) rất nguy hiểm và diễn biến phức tạp.

Thành phố hiện có 9 cơ sở cai nghiện bắt buộc đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác, quản lý hơn 8.800 người. 13 cơ sở tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện, đang tổ chức cai nghiện cho 676 người. Hơn 1.300 người đang thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng. Tổng số người sau cai nghiện được tiếp nhận, quản lý tại địa phương là gần 11.000 người.

Tuy nhiên, hơn nửa người nghiện ma túy tổng hợp chiếm khoảng 60-70%, họ dễ bị kích động, loạn thần không làm chủ được hành vi nên không tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng và dễ gây ra hành vi vi phạm pháp luật, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Bên cạnh đó, thành phố hiện đang cung cấp dịch vụ điều trị methadone tại 23 cơ sở, trong đó có một cơ sở của tư nhân. Hơn 5.200 bệnh nhân đang tham gia điều trị methadone, trong đó 70% bệnh nhân đang điều trị duy trì tìm được việc làm, ổn định cuộc sống, có tiến triển tốt về sức khỏe, tinh thần.

Năm 2018, thành phố đã có kế hoạch triển khai thêm 3 cơ sở điều trị mới tại các Trung tâm y tế quận, huyện còn lại (quận 5, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi), đồng thời triển khai điều trị methadone tại các cơ sở cai nghiện ma túy thuộc thành phố quản lý, mua thêm thuốc methadone bằng ngân sách để phục vụ mở rộng chương trình.

“Tuy nhiên, khi bệnh nhân điều trị methadone chuyển sang giai đoạn duy trì, ổn định về cuộc sống, lúc đó các nhu cầu việc làm, vui chơi, sinh hoạt gia đình buộc bệnh nhân phải thường xuyên di chuyển đi xa, cho nên việc xem xét nghiên cứu đưa methadone viên nén vào điều trị cũng là giải pháp thiết thực để hỗ trợ bệnh nhân trong việc tuân thủ điều trị đồng thời đảm bảo khống chế tỷ lệ bỏ trị”, ông Khiết đề nghị xem xét.

Trao đổi về các biện pháp điều trị nghiện, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS nhìn nhận nghiện ma túy là bệnh mãn tính, không có thuốc chữa khỏi, khi hòa nhập lại xã hội, họ dễ dàng tái nghiện. Ngoài ra thời gian điều trị bằng methadone kéo dài nên người nghiện dễ nản, bỏ điều trị, cần tìm hiểu tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi cho họ điều trị.

Ông Long đề nghị xây dựng phần mềm quản lý người uống methadone để ở đâu người nghiện uống cũng được, về lâu dài nghiên cứu và triển khai dạng viên nén methadone.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận nghiện ma túy đá trên thế giới cũng chưa có phác đồ điều trị. Do đó, các cơ sở điều trị tại TP.HCM nên nghiên cứu phác đồ từ thực tiễn để kiến nghị thêm với Bộ.

Theo bà Tiến, ma túy đá ngày càng tăng nhưng không thể khẳng định người nghiện ma túy đá không nghiện thuốc phiện dạng heroin. Bà đề nghị thành phố đảm bảo điều trị methadone và mở rộng xuống xã phường vì các tram y tế xã phường hiện đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, tăng cường truyền thông và dự phòng giảm tác hại.

Bà Tiến đánh giá số lượng cai tự nguyện còn quá ít, trong khi đây là loại hình có thể thực hiện xã hội hóa được, đối với người khó khăn có thể nghiên cứu hỗ trợ, do đó cần tăng cường mô hình cai nghiện tự nguyện.

Theo Hoàng Lan

Pháp luật TPHCM