TPHCM lên phương án đối phó dịch tả lợn Châu Phi

(Dân trí) - Tại cuộc họp tình hình kinh tế - xã hội diễn ra sáng nay (5/3), UBND TPHCM đã thông tin vấn đề dịch tả lợn (heo) Châu Phi đang có xu hướng lan rộng ở nhiều tỉnh, thành và nhấn mạnh các biện pháp đối phó tại thành phố.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, hiện nhu cầu tiêu thụ của TPHCM khoảng 800 tấn heo/ngày. Sở đã làm việc với 3 nhà cung cấp lớn để nắm nguồn hàng nhằm chủ động cung cấp cho người dân khi cần thiết.

Trong trường hợp xấu nhất là xảy ra dịch và có biến động lớn, TPHCM sẽ nhập khẩu thịt từ các nước lân cận. Ngoải ra, Sở Công thương đã lên phương án chuẩn bị nguồn thịt gà, phòng trường hợp người dân lo sợ dịch không ăn thịt heo.

TPHCM lên phương án đối phó dịch tả lợn Châu Phi - 1
Một vụ vận chuyển heo lở mồm vận chuyển vào chợ đầu mối bị phát hiện, xử lý (ảnh Vân Sơn)

Trong khi đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Phước Trung cập nhật tình hình cụ thể: Hiện có 202 hộ tại 7 tỉnh ,thành trên cả nước có dịch. Thời gian qua, 4.231 con heo đã bị tiêu hủy. Ông cho biết hiện, thành phố chưa nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc và đã lên phương án phòng ngừa.

Theo ông Trung, ảnh hưởng dịch nên giá heo khu vực phía Bắc đang rẻ hơn các tỉnh phía Nam, từ đó có hiện tượng chuyển heo vào. Để đảm bảo an toàn, thành phố đang kiểm soát chặt tại các trạm đầu mối, trục giao thông chính đi các tỉnh và các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối.

Vừa qua phát hiện 300 con heo từ Đông Hưng, tỉnh Thái Bình (tỉnh có dịch) chuyển qua thành phố về Vĩnh Long. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì tỉnh Vĩnh Long cho biết không tiếp nhận số heo này. Do đó, ông Trung không loại trừ số heo này được giết mổ lậu ở nơi khác, trong đó có TPHCM.

“Chúng tôi yêu cầu các lò mổ ngưng nhận heo từ các tỉnh phía Bắc, chỉ nhận từ vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Các lò mổ đã cam kết và qua kiểm tra chưa thấy sai phạm nên tương đối yên tâm”, ông Trung nói.

Nói rõ hơn về dịch tả Châu Phi, Trưởng Ban An toàn Thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan đề nghị tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rằng bệnh này không gây cho người. Song, bà Lan cho rằng dịch có thể ảnh hưởng gián tiếp khi người dân lén lút tiêu theo heo chết do dịch.

“Vi rút này có thể tồn tại cả ngàn ngày trong điều kiện đông lạnh, trong xúc xích, thịt nguội, tuy không gây cho người nhưng sẽ gây bệnh cho đàn heo”, bà Lan thông tin. Theo bà Lan, thành phố chưa phát hiện dịch tả nhưng đã phát hiện ra các bệnh khác như tai xanh, lở mồm long móng.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm lưu ý: “Thành phố là nơi tiêu thụ lớn nhất nước, do đó phải kiểm soát không cho heo bệnh lọt vào, nếu nếu lọt vào sẽ lây lan mạnh”.

Đà Nẵng: Cấp hơn 1.000 lít hóa chất phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Mặc dù là địa phương chưa xảy ra dịch như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp phát 1.152 lít Benkocid cho các địa phương, cơ sở tiêu độc khử trùng phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Bởi hàng ngày có khoảng 18-25 xe vận chuyển từ 3.200-4.500 con lợn các tỉnh phía Bắc vào phía Nam đi ngang qua thành phố nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.

 - 1

 

Hiện cán bộ thú y tại các Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên và Hòa Phước đã được bổ sung, đảm bảo trực 24/24h kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn lưu thông qua trạm và nhập vào thành phố Đà Nẵng, thực hiện tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển lợn, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp phát 1.152 lít Benkocid cho các địa phương, cơ sở tiêu độc khử trùng. Riêng đối với huyện Hòa Vang là địa phương có chăn nuôi nhiều, đã được cấp tiếp đợt 2 trong năm 2019 với số lượng 5.000 lít Benkocid để huyện chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. 

 

Quảng Trị: Lập chốt tăng cường kiểm tra phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

(Dân trí) - Trước tình trạng bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát và lan rộng tại nhiều địa phương, tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định hỏa tốc về tăng cường phòng, chống bệnh dịch tả lợn.

Theo quyết định 445/QĐ-UBND, tỉnh Quảng Trị lập 2 chốt kiểm dịch động vật liên ngành phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên QL 1A qua xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (tiếp giáp với tỉnh Quảng Bình) và trên đường Hồ Chí Minh thuộc thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh.

Quyết định trên do ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ký ban hành.

Mỗi chốt kiểm dịch được bố trí cán bộ Chi cục chăn nuôi thú y, cán bộ Cục Quản lý thị trường và Công an tỉnh. Chốt kiểm dịch do cán bộ Chi cục chăn nuôi thú y phụ trách, dưới sự theo dõi của Sở NN-PTNT tỉnh, hoạt động đến khi tình hình dịch bệnh ổn định.

 - 1

Dịch tả lợn đã xuất hiện tại một số địa phương.

Chốt kiểm dịch có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và xử lý những vi phạm về kiểm dịch, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn theo quy định của Luật Thú y và hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.

Khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch.

Cán bộ được giao nhiệm vụ làm việc tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành có trách nhiệm thường trực 24/24.

Sở NN-PTNT quy định cụ thể nhiệm vụ và quy chế hoạt động của chốt kiểm dịch.

 

Anh Vũ - Đ. Đức

Quốc Anh – Phạm Nguyễn