TPHCM: Bùng phát bệnh đau mắt đỏ tại các trường học

(Dân trí) - Các trường học tại TPHCM đang phải “đối phó” với tình trạng bệnh đau mắt đỏ bùng phát mạnh. Điều đáng lo nhất của các trường là phải hạn chế bệnh lây lan khi phụ huynh không cho con ở nhà dù bị bệnh.

Cô trò đều bị đau mắt đỏ

Hai tuần gần đây, dịch đau mắt đỏ bùng phát mạnh tại TPHCM, nhiều học sinh của các trường mầm non, tiểu học phải nghỉ học vì bệnh này. Trong đó có trường thống kê một ngày có đến hơn chục học sinh nghỉ học vì đau mắt đỏ thậm chí có trường giáo viên cũng bị lây bệnh.

Bùng phát bệnh đau mắt đỏ ở các trường học trên địa bàn TPHCM (Ảnh minh họa)
Bùng phát bệnh đau mắt đỏ ở các trường học trên địa bàn TPHCM (Ảnh minh họa)

Tại trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (Q. Tân Bình), chỉ riêng tuần rồi đã có hơn 30 học sinh phải nghỉ học vì bị đau mắt đỏ. Cô Hồ Thị Trúc Linh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết 2 tuần qua có nhiều học sinh xin nghỉ vì bị bệnh. “Nhà trường đã thông báo cho giáo viên và phụ huynh đang trong mùa dịch nên hễ phát hiện hay nghi vấn trẻ bị đau mắt đỏ thì xin cho nghỉ học để tránh lây lan. Ở trường Nguyễn Thanh Tuyền, giáo viên phải thường xuyên báo cáo số lượng học sinh bị bệnh để Ban giám hiệu thống kê và báo về Trạm y tế phường”, cô Linh nói.

Tương tự, khoảng 40 lớp nhưng trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) cũng bị dịch đau mắt đỏ “tấn công” trong hai tuần qua. Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) cho biết tuần qua số học sinh mắc bệnh lên tới 5-6 em/lớp và may mắn là chỉ có 3 giáo viên bị đau mắt. Tuy nhiên, vấn đề khiến lãnh đạo trường Nguyễn Văn Trỗi “đau đầu” không phải học sinh mắc bệnh nhiều mà vì phụ huynh không chịu cho con nghỉ ở nhà khi bị bệnh. Cô Hà cho biết: “Khi giáo viên báo bé bị đau mắt đỏ nên nghỉ ở nhà thì phụ huynh lại lấy lý do cả nhà đều bệnh hay cả ba mẹ đều đi làm không ai trông con”. Vì không thể từ chối phụ huynh nên trường phải “gánh” những em này. Phòng y tế của trường cũng chỉ là nơi để các em xuống uống thuốc chứ không thể đủ chỗ để các em đến hết buổi học. Phương án khắc phục là bố trí những học sinh này ngồi bàn trên và phải mang mắt kính để hạn chế tiếp xúc và lây lan sang các học sinh khác. Cũng theo cô Hà, tình hình bệnh đang có chiều hướng giảm xuống, hiện tuần này trung bình chỉ còn 2-3 em/lớp bị bệnh.

Nhiều trường ở các quận 3, 5,11, Gò Vấp… cũng có dịch đau mắt. Hiện các trường vẫn thực hiện theo hướng dẫn của Sở từ đầu năm là tiến hành sát khuẩn bằng javel 2 lần/tuần để đảm bảo vệ sinh.

Sở GD-ĐT hướng dẫn phòng chống dịch

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Công tác Học sinh sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: Trước khi có dịch đau mắt đỏ, ngay từ đầu năm học Sở đã quán triệt các trường việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong trường học đầu năm học. Theo đó, các trường phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe học sinh và chú ý hơn khi có những đợt dịch bệnh để tránh lây lan. Tuy nhiên, do bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát mạnh nên Sở tiếp tục nhắc lại các biện pháp phòng ngừa bệnh cho các trường, tránh làm phụ huynh hoang mang.

Mới đây nhất, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cũng ký văn bản đề nghị các đơn vị, trường học phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát có chiều hướng xấu xảy ra trong nhiều trường học.

Bà Thanh nhắc các đơn vị, trường học nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ của cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh trong các trường học nhằm không để xảy ra dịch bệnh, nếu có bệnh thì không để dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, phía Sở cũng hướng dẫn các dấu hiệu nhận biết bệnh cho các trường.

Đồng thời phối hợp với cơ quan y tế địa phương xử lý triệt để ổ dịch bằng Cloramin B, vệ sinh môi trường, theo dõi sát các trẻ học chung lớp với trẻ bệnh. Báo cáo kịp thời các trường hợp trẻ nghi ngờ hoặc được chẩn đoán bệnh đau mắt đỏ về trạm Y tế phường, Trung tâm Y tế Dự phòng quận, huyện để có hướng chỉ đạo và xử trí kịp thời.

Lê Phương