TPHCM: 2 trẻ bị sốc phản vệ nặng sau tiêm chủng

(Dân trí) - Sau tiêm vắc xin ComBE Five, 2 trẻ trên địa bản thành phố HCM bị phản ứng phản vệ nặng. Nhờ được phát hiện kịp thời, xử trí theo đúng phác đồ, cả 2 trẻ đã bình phục hoàn toàn. Đây là những trường hợp phản ứng muộn sau tiêm với khoảng thời gian trung bình hơn 2 giờ.

Ngày 9/7, thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố HCM cho biết, hệ thống giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng trên địa bàn đã ghi nhận 2 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng tại quận Tân Phú và quận Thủ Đức.

TPHCM: 2 trẻ bị sốc phản vệ nặng sau tiêm chủng - 1

Phản ứng sau tiêm ở nhiều cấp độ khác nhau, đa phần là phản ứng nhẹ, cấp độ 1. Trường hợp phản ứng nặng là do yếu tố cơ địa của bệnh nhi

Trường hợp thứ nhất là bé L.M.P.T. (3 tháng tuổi) được gia đình đưa đến chích ngừa vắc xin ComBE Five và uống vắc xin OPV tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức lúc 8 giờ 30 phút, ngày 17/5/2019. Sau chủng ngừa, được theo dõi tại Trạm Y tế trong thời gian 30 phút nhưng không có biểu hiện bất thường. Trước khi bệnh nhi về nhà, người mẹ đã được nhân viên y tế hướng dẫn theo dõi, chăm sóc bé tại nhà trong 48 giờ tiếp theo.

Tại gia đình (khoảng 2 giờ 20 phút sau tiêm) bé có biểu hiện khóc thét sau đó tím tái, lịm người được gia đình nhanh chóng đưa trở lại Trạm Y tế. Tại đây, bệnh nhi đã được bác sĩ thăm khám và xử lý tiêm Adrenaline theo phác đồ xử trí phản vệ của Bộ Y tế. Ngay sau đó, bệnh nhi được xe cứu thương đưa đến bệnh viện quận Thủ Đức tiếp tục theo dõi. Sau 2 ngày chăm sóc, theo dõi tại bệnh viện, bé không có diễn tiến nặng thêm, sức khỏe bình phục hoàn toàn, được xuất viện.

Trường hợp thứ 2 là bé trai H.T.T. (2 tháng tuổi) tiêm chủng vắc xin ComBE Five và uống vắc xin OPV lần thứ nhất tại Trạm Y tế Sơn Kỳ, quận Tân Phú lúc 8 giờ 30 phút ngày 26/6/2019. Sau tiêm, bé được theo dõi tại Trạm Y tế 30 phút nhưng không phát hiện bất thường. Phụ huynh được nhân viên y tế hướng dẫn theo dõi tiếp 48 giờ sau tiêm trước khi mẹ đưa bé về.

Khoảng 3 giờ sau tiêm chủng, tại gia đình trẻ có biểu hiện khóc nấc, khó thở, da xanh tái sau đó tím tái, lịm người. Bé nhanh chóng được người thân đưa trở lại Trạm Y tế. Bệnh nhi đã được xử lý theo phác đồ của Bộ Y tế sau đó chuyển đến Bệnh viện quận Tân Phú theo dõi, điều trị. Sau 2 ngày tại bệnh viện, sức khỏe của bé bình phục hoàn toàn, cháu được xuất viện về với gia đình.

Sau 2 trường hợp trên, Hội đồng tư vấn Chuyên môn Sở Y tế đã họp và kết luận, đây là 2 trường hợp “phản ứng phản vệ độ III (có IV cấp độ phản vệ) xảy ra sau tiêm chủng vắc xin ComBE Five”. Cả 2 bệnh nhi đều được phát hiện kịp thời, Trạm Y tế phường đã cấp cứu đúng phác đồ xử trí phản vệ của Bộ Y tế.

TPHCM: 2 trẻ bị sốc phản vệ nặng sau tiêm chủng - 2

Phụ huynh cần tự trang bị cho mình những kiến thức về phản ứng sau tiêm chủng và tuân thủ hướng dẫn theo dõi tại nhà sau tiêm

Bên cạnh kết luận nguyên nhân của 2 ca tai biến nặng sau tiêm chủng, Hội đồng tư vấn chuyên môn của Sở Y tế cho rằng sự hướng dẫn, theo dõi chăm sóc sau tiêm chủng của nhân viên y tế đã giúp phụ huynh biết cách theo dõi và xử trí khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ. Sự phối hợp giữa phụ huynh nhân viên y tế cấp phường xã và bệnh viện tuyến quận đã giúp trẻ tránh được những diễn tiến nặng do phản ứng phản vệ.

Tính đến tuần 27 (1/7 đến ngày 7/7) của năm 2019, ngành y tế thành phố đã triển khai chủng ngừa tổng cộng 40.117 mũi vắc xin ComBE Five (từ mũi 1 đến mũi 3). Ngoài 2 trường hợp phản ứng nặng nêu trên, thành phố có 1.976 trẻ gặp phản ứng nhẹ thông thường sau tiêm, chiếm tỷ lệ 4,9% tương đương  với thử nghiệm lâm sàng.

Theo hướng dẫn chẩn đoán mức độ phản vệ của Bộ Y tế, phản vệ được phân thành 4 mức độ: Độ I (nhẹ) chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mề đay, ngứa, phù mạch; Độ II (nặng) có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan gồm mề đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, ỉa chảy; huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

Độ III (cấp độ nguy kịch) biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn gồm, đường thở: tiếng rít thanh quản, phù thanh quản; thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở; rối loạn ý thức: vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn; tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp. Độ IV bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp.

Vân Sơn