Nghệ An:

Tiêu huỷ hơn 500 con gà bị H5N1

(Dân trí) - Hơn 500 con gà dịch cúm H5N1 vừa được UBND huyện Đô Lươn, tỉnh Nghệ An tiến hành tổ chức tiêu hủy. Được biết, đây là ổ dịch lớn xuất hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Cơ quan chức năng tiêu thủy gà bị dịch.
Cơ quan chức năng tiêu thủy gà bị dịch.

Ngày 10/3, lãnh đạo huyện Đô Lương cho biết, trước đó chiều ngày 6/3/2013 trạm thú y, phòng nông nghiệp huyện và xã Trung Sơn - nơi xảy ra ổ dịch đã tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm hơn 500 con của gia đình ông Phan Bá Hảo (xóm 3, xã Trung Sơn). Đàn gà được tiêu hủy do nhiễm cúm H5N1.

Trạm thú y huyện Đô Lương cho biết, ổ dịch trên được phát hiện vào ngày 4/3/2013, trên đàn vịt đẻ hơn 500 con của gia đình ông Phan Bá Hảo (xóm 3, xã Trung Sơn) sau khi có hiện tượng vịt chết bất thường. Tuy nhiên, đến ngày 5/3 đàn vịt đã chết hàng loạt. Trước tình hình đó, gia đình ông Hảo đã kịp thời báo cho cán bộ thú y xã và cơ quan chức năng. Trạm thú y đã cử cán bộ về tại hiện trường, khoanh vùng ổ dịch. Đồng thời tham mưu với UBND huyện thành lập ban chỉ đạo tiến hành lấy mẫu đi xét nghiệm, kiểm tra với kết quả cúm H5N1.

Sau khi có kết quả dương tính với vi rút H5N1, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm Đô Lương đã chỉ đạo Trạm thú y, phòng nông nghiệp huyện và xã Trung sơn tiến hành khoanh vùng ổ dịch. Nghiêm cấm các hành vi vận chuyển, buôn bán gia cầm ra ngoài và qua vùng dịch. Đồng thời ra quyết định tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh theo đúng quy trình. Điểm tiêu hủy đảm bảo xa khu dân cư để đảm báo sức khỏe cho nhân dân và đàn gia cầm trên địa bàn và tránh lây lan dịch bệnh. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên gia đình đã chấp hành nghiêm việc tiêu hủy trên tổng đàn.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có công điện về việc phòng chống dịch cúm gia cầm. Trong công điện cũng nói rõ, hiện nay trên địa bàn Nghệ An là tỉnh có tổng đàn gia cầm lớn, có khoảng trên 16 triệu con gia cầm các loại, hình thức chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán, do đó gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Từ năm 2011 đến nay, các ổ dịch Cúm gia cầm xảy ra hầu hết trên đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, trong khi đó, tỷ lệ lưu hành vi rút H5N1 trong đàn gia cầm cao, nguy cơ dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh rất lớn.

Người dân phun thuốc khử trùng.
Người dân phun thuốc khử trùng.

Để chủ động giám sát, phát hiện, khống chế khẩn cấp các ổ dịch, ngăn chặn có hiệu quả dịch cúm gia cầm không lây lan ra diện rộng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UNND các đơn vị cấp huyện; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành liên quan khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao. 

Cụ thể: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện sớm ổ dịch cúm gia cầm và xử lý kịp thời, đặc biệt cần tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ; tổ chức kiểm tra và xử lý đàn gia cầm nghi mắc bệnh cúm; Phân công rõ trách nhiệm các thành viên Ban chỉ đạo, UBND xã phường, thị trấn, các phòng, ban có liên quan chủ động giám sát, phát hiện và báo cáo, xử lý ổ dịch kịp thời; tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại cơ sở; Chủ động xây dựng kế hoạch nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hóa chất để phòng, chống dịch kịp thời khi có ổ dịch xẩy ra.

Giao chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các khối, xóm, thôn, bản, Thú y cơ sở và các tổ chức đoàn thể tại cơ sở tăng cường công tác giám sát, phát hiện và báo cáo dịch bệnh đúng quy định; Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm vụ Xuân 2013 đạt tỷ lệ cao nhằm tạo miễn dịch chủ động cho gia súc, gia cầm chống lại mầm bệnh. Đặc biệt chú trọng tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm triệt để cho đàn vịt, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà. Kinh phí mua vắc xin và tiền công tiêm phòng do người chăn nuôi chi trả.

Theo đó, các huyện biên giới: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong: Tập trung tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân hiểu về nguy hại của dịch Cúm gia cầm và ký cam kết không tham gia vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới, nhất là vận chuyển qua đường tiểu ngạch. Chỉ đạo các ngành hữu quan: Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Thú y...tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển vào địa bàn tỉnh.

Các huyện, thành phố, thị xã không thuộc huyện biên giới: Thành lập đoàn liên ngành gồm các lực lượng Thú y, Quản lý thị trường, Công an, Thanh tra Giao thông,... tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, lưu thông gia cầm, sản phẩm gia cầm; đặc biệt chú ý các bến xe, ga tàu, các điểm đậu xe giao nhận hàng dọc đường; kiểm tra các cá nhân, tổ chức cung ứng gia cầm giống, các điểm tập kết kinh doanh, buôn bán gia cầm sống, sản phẩm gia cầm trên địa bàn,kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Giao Trạm thú y phối hợp với chính quyền sở tại quản lý chặt chẽ xuất, nhập đàn gia cầm ở các trang trại, gia trại chăn nuôi, đảm bảo gia cầm được kiểm dịch trước khi vận chuyển; kiểm tra, hướng dẫn các chủ cơ sở thực hiện tốt điều kiện vệ sinh thú y nhằm ngăn chặn nguy cơ phát dịch Cúm trên đàn gia cầm. Các huyện, thành thị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu phát hiện và báo cáo dịch chậm, để dịch lây lan ra diện rộng.

Nguyễn Duy - Huy Khôi