Tiểu buốt, tiểu máu kéo dài coi chừng ung thư bàng quang

(Dân trí) - Nữ bệnh nhân bị tiểu buốt kéo dài, đau vùng hạ bộ, điều trị viêm đường tiết niệu không khỏi, qua nội soi bác sĩ phát hiện có bướu ở bàng quang. Ung thư quang là bệnh lý nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nhưng dễ nhầm với các bệnh lý không nguy hiểm khác.

Đó là trường hợp của nữ bệnh nhân N.T.P. (42 tuổi) vừa được phát hiện bệnh, đang trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Bình Dân, TPHCM. Bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng bị tiểu buốt kéo dài và đau vùng hạ bộ. Trước đó, chị đi khám ở bệnh viện địa phương được bác sĩ chẩn đoán viêm đường tiết niệu nhưng uống thuốc điều trị kéo dài vẫn không hết.

ung thu bang quang.jpg

Một trường hợp bị bướu bàng quang được các bác sĩ tiến hành cắt đốt nội soi  

Tại Bệnh viện Bình Dân, qua nội soi bàng quang tại bác sĩ phát hiện bệnh nhân có bướu bàng quang kích thước 23X29mm. Kết quả CT-Scan bướu chưa xâm lấn cơ, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt bướu. Hiện người bệnh đang được tiếp tục theo dõi, điều trị.

Không may mắn như trường hợp trên, nam bệnh nhân H.N.T. đã phải cắt bỏ bàng quang tuyến tiền liệt cùng một phần niệu đạo vì bướu xâm lấn cơ, đồng thời dùng ruột để tạo bàng quang. Trước đó, bệnh nhân thường xuyên đối mặt với tình trạng rối loạn tiểu, nhiễm trùng tiểu, điều trị sỏi đường tiết niệu nhưng không thuyên giảm, đến khi phát hiện bệnh thì đã trong giai đoạn nặng.

Nếu bướu bàng quang đã lớn và xâm lấn cơ, thường sẽ phải cắt bỏ bàng quang, phần phụ, tạo hình bàng quang bằng ruột. Do đó bàng quang tân tạo sẽ không thể đảm bảo chức năng tốt như bàng quang thường, dễ gặp phải các vấn đề về rối loạn đi tiểu.

PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết, ung thư bàng quang nằm trong nhóm các bệnh ung thư thường gặp nhất. Đây cũng là ung thư thường gặp nhất trong số các ung thư tiết niệu. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 1.500 ca mắc mới và gần 900 trường hợp tử vong.

Hút thuốc lá, làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với hóa chất (đặc biệt là hóa chất nhuộm), nhiễm trùng niệu tái đi tái lại, sỏi đường tiết niệu không điều trị đầy đủ sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Độ tuổi thường phát hiện bệnh ung thư bàng quang là trên 50, 60 tuổi.

Cat dot noi soi buou bang quang tai BVBD.jpg

Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ tăng khả năng thoát khỏi ung thư bàng quang cho người bệnh

Bệnh nguy hiểm song nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm sẽ tăng tỷ lệ sống còn, tăng chất lượng sống. Người bệnh sẽ tránh được những thương tổn nặng nề về thể chất và tâm lý do bướu bàng quang tiến triển, xâm lấn. Những trường hợp bị bướu bàng quang ở giai đoạn muộn thường phải phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang và các cơ quan lân cận như tuyến tiền liệt và một phần niệu đạo ở nam giới; cắt toàn bộ tử cung, buồng trứng, vòi trứng và một phần âm đạo ở nữ giới.

Cũng theo PGS Cẩm Hoàng bệnh lý ung thư bàng quang thường có các triệu chứng không đặc hiệu như rối loạn đi tiểu, tiểu máu, tiểu nhiều lần, tiểu gắt, nhiễm trùng tiểu… dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý không ác tính khác ở bàng quang và đường tiết niệu như viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu… Để tránh bỏ sót bệnh và điều trị sớm, khi có các triệu chứng nêu trên người bệnh cần đi thăm khám tại các cơ sở có chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán và điều kịp thời.

PGS Cẩm Hoàng cho biết thêm: “Hiện nay, nhờ ứng dụng nội soi ống mềm niệu quản với bước sóng ngắn (NBI) đã giúp bác sĩ hiện sớm ung thư bàng quang dạng phẳng, tăng tỷ lệ phát hiện ung thư bàng quang giai đoạn sớm cho người bệnh. Kỹ thuật cắt đốt nội soi (En – bloc) cho phép lấy trọn khối bướu khu trú trong bàng quang qua nội soi niệu quản, ít xâm lấn, hạn chế mất máu và tổn thương các mô lành, giúp điều trị triệt căn bướu bàng quang ở giai đoạn sớm cho nhiều người bệnh”.

Vân Sơn