Gần 400.000 người tiêm vắc xin phòng dại trong năm 2017

(Dân trí) - Ở nước ta, đàn chó nuôi với số lượng rất lớn, chó thường được nuôi thả rông, nên tình trạng chó cắn người khá phổ biến, gây nỗi lo sợ cho nhân dân và tổn phí về tiêm phòng, điều trị sau phơi nhiễm.

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (cập nhật đến ngày 30/11/2017), cả nước có 63 trường hợp tử vong do bệnh Dại, giảm 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016 (84 trường hợp). Các trường hợp tử vong xảy ra tại 31 tỉnh, thành phố.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 397.693 người được tiêm văc xin phòng Dại, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2016 (347.496 người).

Khu vực miền Nam có số người tiêm phòng dại cao nhất chiếm 64% tổng số người đi tiêm của cả nước. Riêng khu vực miền Bắc số người tiêm phòng dại ghi nhận được là 88.980 người giảm nhẹ so với năm 2016 (92.986 người).

Tình trạng chó cắn người ở Việt Nam còn phổ biến. (Ảnh minh họa)
Tình trạng chó cắn người ở Việt Nam còn phổ biến. (Ảnh minh họa)

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh Dại trên đàn chó là vì nhiều chó nuôi không được tiêm phòng Dại với lý do: Việc thống kê các hộ có nuôi chó và số lượng chó nuôi tại địa bàn cấp xã chưa chính xác, công tác quản lý chó nuôi bị buông lỏng, nhiều xã không có danh sách hộ nuôi chó dẫn đến việc tổ chức tiêm phòng Dại cho đàn chó nuôi gặp nhiều khó khăn, tiêm không triệt để; Việc lập kế hoạch tiêm phòng Dại hằng năm cho đàn chó nuôi của địa phương không dựa trên số lượng chó nuôi thực tế mà chủ yếu dựa vào số lượng chó được tiêm phòng của năm trước để giao chỉ tiêu tiêm phòng cho năm sau, do vậy nhiều địa phương có tỷ lệ tiêm phòng Dại tính trên tổng đàn chó nuôi đạt rất thấp, không bảo đảm tỷ lệ theo quy định.

Ngoài ra, hiện tượng chó nuôi thả rông, không đeo rọ mõm và cắn người ở nơi công cộng vẫn còn phổ biến làm cho số người bị chó cắn tăng cao.

Cũng theo Cục Thú y, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại tại một số địa phương chưa được thường xuyên, liên tục dẫn đến nhiều người còn chủ quan với bệnh Dại, không nắm rõ các quy định của Nhà nước về nuôi chó, về các hành vi vi phạm và mức xử phạt vi phạm trong phòng chống bệnh Dại động vật; đặc biệt tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của nhiều người nuôi chó chưa cao, chưa tự giác chấp hành tiêm phòng Dại cho đàn chó nuôi của gia đình, vẫn còn trường hợp gia đình nuôi nhiều chó nhưng chỉ tiêm phòng Dại cho một hoặc hai con chó hoặc không xích nhốt chó để trốn tránh việc tiêm phòng; vẫn thả rông chó ra nơi công cộng để chó cắn người; nhiều trường hợp người bị chó cắn đã chủ quan không đến các cơ sở Y tế để tiêm phòng, trong đó có trường hợp bị phát bệnh Dại và tử vong.

Bên cạnh đó, công tác xử lý ổ dịch khi có ca bệnh Dại chưa được cấp chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, mới chỉ tổ chức tiêm phòng khẩn cấp cho chó trong vùng dịch, các quy định về nuôi nhốt hoặc xích chó trong thời gian có dịch, xử lý chó thả rông vẫn chưa được triển khai triệt để.

Lực lượng thú y quá mỏng (trạm thú y huyện có 3-4 người, nhiều xã không có thú y); việc tổ chức tiêm phòng tập trung tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn; đàn chó nuôi chủ yếu là thả rông; nhân viên thú y phải đến từng nhà để tiêm phòng, do vậy kết quả tiêm phòng không đạt tỷ lệ như mong muốn.

Cục Thú ý nhận định, ở nước ta, đàn chó nuôi với số lượng rất lớn chó thường được nuôi thả rông, nên tình trạng chó cắn người khá phổ biến, gây nỗi lo sợ cho nhân dân và tổn phí về tiêm phòng, điều trị sau phơi nhiễm. Mặc dù ngành Thú y đã có nhiều cố gắng, thực hiện chiến dịch tiêm phòng 2 lần/năm, tuy nhiên, do chó nuôi thả rông nên tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại tính trên tổng đàn vẫn còn thấp, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây nguyên. Đó là nguyên nhân cơ bản khiến bệnh Dại tiềm ẩn, lan truyền liên tiếp trong cộng đồng.

Các ca bệnh Dại đã bắt đầu tái xuất hiện tại một số địa phương sau rất nhiều năm không có bệnh Dại như Cà Mau, Hải Phòng, Thái Bình và thành phố Hồ Chí Minh. Nguy cơ bệnh Dại tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới là rất cao do công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương chưa được thực hiện tốt; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó nuôi đạt thấp và công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh Dại chưa được thực hiện nghiêm túc. Do đó, các địa phương cần chủ động thực hiện chỉ đạo theo Chỉ thị số 31/CT-TTg ban hành ngày 6/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại.

Hoàng Dũng