Tỉ lệ tử vong, nhiễm mới HIV tiếp tục giảm trên toàn cầu

(Dân trí) - Các quan chức y tế quốc tế hôm 20/11 đã báo cáo những tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, không chỉ giảm số ca nhiễm mới HIV mà còn tăng số bệnh nhân được điều trị.

  

Tỉ lệ tử vong, nhiễm mới HIV tiếp tục giảm trên toàn cầu


Các chuyên gia cho biết số trường hợp tử vong do AIDS trên toàn cầu trong năm 2011 đã giảm 500.000 trường hợp so với năm 2005.

 

Theo báo cáo của UNAIDS, có rất nhiều thành công được ghi nhận ở vùng cận Sahara thuộc châu Phi, một trong những khu vực bị tác động nặng nề nhất trên thế giới. Ví dụ, tỉ lệ nhiễm mới HIV đã giảm khoảng 70% ở Malawi, Botswana, Namibia; khoảng 50% ở Zambia, Zimbabwe, Nam Phi và Swaziland kể từ năm 2001.

 

Báo cáo cũng cho thấy số người được điều trị bằng liệu pháp kháng retrovirus để ức chế HIV cũng tăng khoảng 60% trong vòng 2 năm qua. Ở Nam Phi số bệnh nhân được tiếp cận điều trị đã tăng 75% trong vòng 2 năm qua. Tương tự ở Trung Quốc tỉ lệ điều trị cũng tăng 50% trong vòng 1 năm qua.

 

Việc giảm tỉ lệ mắc mới cùng với tăng cơ hội điều trị đã giúp giảm 1/3 số ca tử vong liên quan đến AIDS trong vòng 6 năm qua, với mức tiến triển đáng kể nhất được thấy ở các khu vực thuộc châu Phi.

 

Báo cáo nêu rõ “Mặc dù AIDS vẫn là một trong những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhất trên toàn thế giới song sự đoàn kết toàn cầu trong cuộc chiến chống AIDS trong suốt thập kỷ qua sẽ tiếp tục mang lại những thành quả vượt trội”. Việc mở rộng các chương trình chống HIV kết hợp với sự ra đời của các thuốc mới giúp giảm số trường hợp mắc bệnh cũng như số ca tử vong do AIDS.

 

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ rằng cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ này vẫn đang tiếp tục.

 

Hiện tại trên toàn thế giới vẫn có 34 triệu người phải sống chung với HIV/AIDS, 2,5 ca nhiễm mới và 1,7 triệu trường hợp tử vong mỗi năm. Tiến sĩ Schwartlander thuộc UNAIDS cho biết cần tiếp tục tập trung vào các nhóm dân cư có nguy cơ cao bao gồm những người tiêm chích ma túy, nam giới đồng tính và lưỡng tính, gái mại dâm.

 

Anh Khôi

Theo Reuter/Healthday