Tỉ lệ hút thuốc lá giảm trong cộng đồng

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Y tế mới đây đã báo cáo hoạt động về công tác phòng chống tác hại thuốc lá với Chính phủ. Theo đó, tình hình sử dụng thuốc lá của người Việt đang có xu hướng giảm xuống là một tín hiệu mừng, sau 4 năm Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực.

Hút thuốc lá chủ động, thụ động đều đang giảm xuống

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, kết quả “Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS)” năm 2016 cho thấy việc thực thi Luật PCTH của thuốc lá bước đầu đã có hiệu quả.

Khói thuốc với hơn 7000 chất độc gây hại cho sức khỏe người hút và người hít phải khói thuốc. Tỷ lệ hút thuốc lá người Việt đã giảm xuống, nhưng vẫn nằm trong top 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới.
Khói thuốc với hơn 7000 chất độc gây hại cho sức khỏe người hút và người hít phải khói thuốc. Tỷ lệ hút thuốc lá người Việt đã giảm xuống, nhưng vẫn nằm trong top 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới.

Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá đã giảm xuống. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%), tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%).

Tỷ lệ hút thuốc chung ở khu vực thành thị giảm 2,7% (từ 23,3% xuống 20,6%). Trong đó, tỷ lệ này ở nam giới giảm 5% (từ 47,7% xuống 42,7%).

Cùng với việc giảm tỷ lệ hút thuốc chủ động, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động cũng được giảm xuống.

Theo đó, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể so với năm 2010 tại hầu hết các địa điểm: tại nơi làm việc giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%), tại các trường đại học, cao đẳng giảm 16,4% (từ 54,3% xuống 37,9%), trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,4% xuống 19,4%) và tại trường học giảm 6,2% (từ 22,3% xuống 16,1%) và tại gia đình giảm 13,2% (từ 73,1% xuống 59,9%).

Cũng qua 4 năm triển khai các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, đến nay đã tăng tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn về phương pháp bỏ thuốc.

Theo báo cáo này, tỷ lệ người hút thuốc lá được nhân viên y tế tư vấn bỏ thuốc tăng 10,8% (từ 29,7% lên 40,5%).

Cộng đồng không còn mù tịt về tác hại của thuốc lá

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTH thuốc lá) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/5/2013, với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Quốc hội cũng cho phép thành lập Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá để đảm bảo nguồn kinh phí bền vững cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trong thời gian qua, các hỗ trợ của Quỹ PCTH thuốc lá tập trung các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá; Nhân rộng các mô hình môi trường không khói thuốc tại các cơ quan đơn vị và các tỉnh, thành phố; Nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên PCTH thuốc lá và Cơ quan điều hành Quỹ PCTH thuốc lá

Thực hiện nghiên cứu, đánh giá về tình hình sử dụng thuốc lá, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội để cung cấp bằng chứng phục vụ công tác PCTH thuốc lá.

Thí điểm thực hiện công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá qua điện thoại và công tác tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở y tế.

Nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác thanh kiểm tra, giám sát tình hình thực thi Luật PCTH thuốc lá.

Qua các hoạt động này, nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá đã tăng lên đáng kể. Theo đó, tỷ lệ người tin rằng hút thuốc gây các bệnh đột quỵ, đau tim và ung thư phổi tăng 5,7% (từ 55,5% lên 61,2%).

Tỷ lệ người tin rằng phơi nhiễm với khói thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm cho người không hút thuốc tăng 3,3% (từ 87,0% lên 90,3%).

Các hoạt động quảng cáo sản phẩm thuốc lá cũng được hạn chế, giảm tỷ lệ người dân nhìn thấy quảng cáo các sản phẩm thuốc lá. Cụ thể người dân ở nhóm tuổi từ 15 - 24 nhìn thấy quảng cáo và khuyến mại thuốc lá giảm 5,5% (từ 25,3% xuống 19,8%).

Trong những năm qua, quỹ PCTH thuốc lá đang hỗ trợ 26 Bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 10 bệnh viện thực hiện các hoạt động về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tuy tỷ lệ hút thuốc giảm nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40,000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tử vong do các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm tới 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích tại Việt Nam, trong đó sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.

Vì thế, quỹ PCTH thuốc lá sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa các hoạt động để tuyên truyền, can thiệp giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng.

Hồng Hải