Thủy sản dễ bị nhiễm estrogen!

(Dân trí) - Nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco, cho thấy, tuy không là tất cả, nhưng các estrogen trong thuốc ngừa thai là tác nhân chính gây ô nhiễm estrogen ở các sông, đầm, hồ.

Gần đây, câu chuyện lươn “ngậm” thuốc ngừa thai đang dậy lên nhiều lo ngại và có những quan điểm trái chiều khi nhà chăn nuôi khẳng định không thể có chuyện cho thuốc ngừa thai vào thức ăn nuôi lươn còn một nhà khoa học lại biện giải rằng nếu lỡ có nhiễm thuốc ngừa thai trong thịt lươn thì chỉ cần nấu chín là xong. Bài viết này sẽ đưa them những thông tin về các hoóc môn (nội tiết tố)  nữ có thể nhiễm bẩn vào thức ăn.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thủy sản rất dễ bị nhiễm các hóc môn sinh dục nữ

Các estrogen là một trong những chất gây rối loạn nội tiết (endocrine-disrupting compounds, EDCs) rất phổ biến. Khi chất EDC xâm nhiễm vào môi trường, nó có thể gây ra rối loạn chức năng sinh sản nam giới đến động vật hoang dã. Người ta thấy các estrogen này khi được thải ra từ động vật nuôi trong trang trại vào hệ thống nước ngọt, các thủy sản như cá, tôm, lươn.. tiếp xúc với mức độ thấp của estrogen có thể gây rối loạn chức năng sinh sản.

Nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco, cho thấy, tuy không là tất cả, nhưng các estrogen trong thuốc ngừa thai là tác nhân chính gây ô nhiễm estrogen ở các sông, đầm, hồ. Estrogen tổng hợp trong thuốc ngừa thai làm gián đoạn sinh sản ở một số loài cá như cá chép Nam Âu (Rutilus rutilus). Các hoóc môn có thể kích hoạt cá đực phát triển cơ quan sinh dục nữ và để sản xuất trứng, và các nhà nghiên cứu cho thấy có liên hệ giữa nhiễm estrogen trong nước uống với vấn đề sinh sản và bệnh ung thư của con người.

Người ta cũng đã ghi nhận rằng ở các trang trại quy mô lớn, động vật, bãi rác, dược phẩm, đồ dùng sinh hoạt.v.v..… sẽ tạo ra những hóa chất giống như estrogen (xeno estrogen) cũng được thải nhập vào nguồn nước gây ô nhiễm các chất EDC.

Để hiểu rõ hơn về nguồn estrogen trong nước uống, Tiến sĩ Amber Wise và các đồng nghiệp, ĐH UC, San Francisco, đã làm đến 82 đề tài nghiên cứu khoa học và đã ước tính rằng ethinylestradiol, estrogen tổng hợp thường được sử dụng nhất trong các loại thuốc tránh thai, khả năng chiếm gần bằng 1% của tổng estrogen bài tiết của người Mỹ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng cho nguồn estrogen khác có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của con người.

Đun nấu khó phân hủy các estrogen lẫn trong thực phẩm

Cũng như chất tiền thân là cholesterol, các hoóc môn có nhân steroid như hoóc môn nữ (estrone, estradiol, estriol, E1, E2,E3) đều khá bền với nhiệt độ. Các món ăn chiên xào vẫn chứa nhiều chất béo trong đó có cholesterol.

Người ta đã kiểm tra tính chịu nhiệt (heat stability), không bị hủy khi đun nấu, của các estrogen tự nhiên (estrone E1, β-estradiol (β-E2) và estriol E3) và một số xenoestrogen trong dầu thực vật và nước đun nóng cho thấy chúng ổn định trong dung dịch nước sôi 100°C.

Các estrogen tự nhiên cũng ổn định trong dầu thực vật đun nóng (160-180°C), trong khi catechol estrogen giảm chỉ giảm 30-50% sau thời gian 2 giờ thí nghiệm. Nghiên cứu này cho thấy rằng nấu ăn có làm giảm nhưng không loại trừ hết khả năng phơi nhiễm với cá estrogen có trong thức ăn.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hai điều bàn luận

Trong môi trường tự nhiên, cá, tôm, lươn, trạch… có thể nhiễm các chất gây biến đổi nội tiết EDCs, đặc biệt là các estrogen tự nhiên hay ngoại lai, gây phát triển “siêu thịt” hơn các thủy sản bình thường. Những chất này có thể “ngấm” vào cơ thể các thủy sản qua đường ăn uống hay thẩm thấu. Nhà chăn nuôi có thể cho thuốc ngừa thai vào quy trình chăn nuôi là có thể trên lý thuyết.

Cơ quan chức năng, cụ thể là Ủy ban An toàn Thực phẩm phải có trách nhiệm kiểm tra, “đóng dấu” thực phẩm sạch để người tiêu dùng an tâm.

Cần lưu ý, là các thực phẩm “ngậm” thuốc ngừa thai này bền với nhiệt độ, không hay rất ít bị phân hủy khi đun nấu, những thức ăn nấu lươn “nghi vấn” nên đổ bỏ là hơn!!!

TS.BS Trần Bá Thoại

                     Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM