TPHCM:

Thủy đậu tấn công 2 trường học, tay chân miệng tăng nhanh

(Dân trí) - Thủy đậu đã xuất hiện trở lại ở các trường trên trên địa bàn quận 12 và quận Bình Thạnh. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh với nhiều trẻ phải nhập viện điều trị.

2 ổ bệnh thủy đậu trong trường học

Hai ổ bệnh thủy đầu vừa xuất hiện tại trường THCS Lê Văn Tám (phường 12, quận Bình Thạnh) và trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (phường Hiệp Thành, quận 12).

 

Cần vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần khu vực trẻ sinh hoạt vui chơi để tránh bệnh truyền nhiễm
Cần vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần khu vực trẻ sinh hoạt vui chơi để tránh bệnh truyền nhiễm

Ngày 23/9, BS Vũ Đức Diễn, đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng quận 12 cho biết, qua điều tra dịch tễ ghi nhận, tại trường tiểu học Nguyễn Thái Bình hiện đã ghi nhận 20 em học sinh mắc thủy đậu phân bố trong 8 lớp thuộc khối lớp 1 và lớp 2.

Đầu tháng 9, một học sinh tại trường được phát hiện mắc bệnh thủy đậu. Đến ngày 15/9, phụ huynh thông báo có thêm 3 trẻ phát bệnh. Sau đó bệnh tiếp tục được phát hiện trên 16 trẻ khác.

Cùng với ổ bệnh trên, Trung tâm Y tế Dự phòng quận Bình Thạnh cũng đã ghi nhận 4 học sinh tại trường THCS Lê Văn Tám mắc thủy đậu. Hiện các học sinh mắc bệnh đã được nghỉ học, ở nhà cách ly điều trị.

Trung tâm Y tế Dự phòng địa phương đã phối hợp với nhà trường tiến hành vệ sinh khử khuẩn, tập huấn cho giáo viên, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về kỹ năng phòng chống bệnh thủy đậu. Bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốt cao, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, phụ huynh cần cho con em nghỉ học ở nhà đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được kiểm tra, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng và lây nhiễm cho cộng đồng.

Bệnh tay chân miệng tăng nhanh

Từ đầu tháng 9 đến nay, cùng với sự gia tăng của các bệnh về đường hô hấp, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng đều và nhanh. Ngày 23/9, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, hiện khoa đang tiếp nhận điều trị cho hơn 80 trường hợp mắc tay chân miệng, nhiều trẻ nhập viện khi đã ở giai đoạn nặng, biến chứng.

Phụ huynh cần chú ý, phát hiện kịp thời bệnh ở trẻ để đưa đến bệnh viện khám, điều trị sớm
Phụ huynh cần chú ý, phát hiện kịp thời bệnh ở trẻ để đưa đến bệnh viện khám, điều trị sớm

Ngồi ngoài hành lang khoa Nhiễm chờ tin con, mẹ bệnh nhi Hồ Lê Minh K. (1 tuổi, ngụ tại Củ Chi) nghẹn ngào tâm sự: “Khoảng 5 ngày trước, thằng bé có biểu hiện sốt cao. Tôi đã đưa đến bác sĩ gần nhà khám nhưng không tìm ra bệnh. Đến khi thấy bé có biểu hiện giật mình, chới với, mê man, tôi đưa đến bệnh viện Nhi Đồng thì bác sĩ xác định thằng bé đã bị nhiễm tay chân miệng độ 3”. Sau 3 ngày nhập viện, bé vẫn đang được chăm sóc đặc biệt tại phòng cấp cứu khoa Nhiễm. Bác sĩ cho hay, bệnh nhi bị biến chứng thần kinh gây cao huyết áp.

Phân tích của BS Hữu Khanh cho thấy, liên tiếp trong 3 tuần của tháng 9, bệnh tay chân miệng đã tăng từ 40 ca lên 60 ca và hiện nay đã hơn 80 ca, cá biệt vào ngày 21/9 (thứ 2) số bệnh nhi nhập viện tăng lên đến 120. Đây không phải là sự gia tăng đột biến của bệnh mà là do bệnh đang vào mùa, theo quy luật hàng năm, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 10.

Theo BS Trương Hữu Khanh, một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ mắc tay chân miệng nhập viện trong tình trạng nặng là do tâm lý chủ quan của phụ huynh và cả bác sĩ. “Thường thì người dân chỉ cảnh giác với bệnh tay chân miệng vào thời điểm bùng phát (đỉnh dịch), còn vào đầu mùa như hiện nay cộng đồng thường lờ là, mất cảnh giác. Vì vậy, nhiều trẻ không được phát hiện và đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng nặng nề, nguy hiểm”.

Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nói chung, bác sĩ khuyến cáo, phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất là rửa tay thường xuyên bằng xà bông dưới vòi nước sạch. Gia đình, nhà trường cần vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần đối với đồ chơi, khu vực trẻ vui chơi bằng dung dịch sát khuẩn.

Vân Sơn