Thương vụ triệu đô của Thu Cúc và “chiếc áo mới” TCI
để làm rõ vị trí, định vị thương hiệu.
Năm 2020 có thể được xem là một dấu mốc đối với Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc (TCI) khi lần đầu nhận vốn đầu tư nước ngoài. Ngày 11/8, hệ thống này đã chính thức hoàn thành các thủ tục tiếp nhận vốn từ Quỹ Đầu tư VinaCapital với số tiền gần 27 triệu USD. Ngoài việc nắm cổ phần của Thu Cúc TCI, đại diện của VinaCapital cũng tham gia vào hội đồng quản trị bệnh viện.
Bình luận về thương vụ, ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư VinaCapital nói ngắn gọn: “Thu Cúc TCI là một trong những bệnh viện tư nhân hàng đầu tại Hà Nội và đạt được vị thế này trong một thời gian tương đối ngắn”. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, VinaCapital trước đó đã thoái vốn khỏi một số dự án để tập trung vào các khoản đầu tư tiềm năng như Thu Cúc TCI.
Còn với bà Nguyễn Thu Cúc, nhà sáng lập bệnh viện, khoản đầu tư này tạo động lực để công ty thực hiện quyết liệt hơn các kế hoạch mở rộng và phát triển chuyên sâu. Đến thời điểm này, mảng thẩm mỹ và bệnh viện đã được tách thành hai công ty riêng biệt. Công ty cổ phần y khoa Thu Cúc, bao gồm các bệnh viện đa khoa và phòng khám đa khoa đã được đổi thương hiệu, thành Thu Cúc TCI với bộ nhận diện mới. Công ty thẩm mỹ Thu Cúc không còn liên quan đến Thu Cúc TCI, bao gồm các bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, các phòng khám da liễu công nghệ cao.
Nói về vấn đề này, bà Lê Mai, Giám đốc Markerting của Thu Cúc TCI cho biết, không phải đến thời điểm này mới có sự chuyển dịch, định vị thương hiệu. Thực tế, ngay từ lúc năm 2011, bệnh viện Thu Cúc đã đặt mục tiêu là bệnh viện đa khoa quốc tế.
“Giai đoạn này là sự bước thêm một bước để làm rõ hơn vị trí, thương hiệu”, bà Lê Mai chia sẻ. Việc tách biệt có hai lý do, một mặt để đi sâu, chuyên nghiệp hoá mỗi mảng nhằm phục vụ tốt nhất cho khách hàng, mặt khác, cũng là sự “làm mới” bản thân, sau một thập kỷ phát triển mạnh mẽ.
1Thách thức và sự tự tin
của chất lượng
Bà Mai thừa nhận, việc đổi tên bệnh viện và đưa ra bộ nhận diện với logo Thu Cúc TCI, là không đơn giản bởi cái tên Thu Cúc đã tồn tại 24 năm trong tâm trí khách hàng. Logo hình tròn bên trong có khuôn mặt của cô gái màu xanh gắn liền với hình ảnh của thẩm mỹ viện. Thu Cúc là hệ thống làm đẹp đầu tiên tại Hà Nội. Nếu so sánh chiều dài lịch sử, mảng bệnh viện sinh sau đẻ muộn gần 10 năm, sẽ phần nào bị lấn át về hình ảnh.
“Nếu giữ nguyên cái tên, chúng tôi sẽ tiếp tục tận dụng được lợi thế về thương hiệu, bởi khách hàng đã biết đến và có sự tin tưởng. Khi tách ra, gần như phải làm mới, định vị lại toàn bộ”, bà Mai nói. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, phía công ty tin rằng, để vươn xa, trở thành một bệnh viện đa khoa quốc tế theo đúng mong muốn của người sáng lập, việc định vị lại thương hiệu là không thể tránh.
Theo bà Mai, Thu Cúc TCI có thể là thương hiệu mới nhưng sẽ rất nhanh ghi dấu ấn trong tâm trí mọi người. Niềm tin này dường như có cơ sở vững chắc, nếu nhìn lại lịch sử 10 năm của bệnh viện.
Nhớ lại chặng đường gần một thập kỷ mà bệnh viện Thu Cúc đã trải qua, bà Mai cho biết, không lúc nào không gặp khó khăn, nhưng đều vượt qua và thành công.
“Mười năm trước, việc khổ và khó nhất là phải đi thuyết phục được các bác sĩ ra làm với mình”, bà kể. Bởi các bác sĩ giỏi thường có tâm lý không muốn ra bệnh viện tư làm, cho dù được trả lương cao bao nhiêu. “Các bác sỹ muốn làm ở viện công, nơi có khả năng giúp đỡ cho được nhiều bệnh nhân nhất, nên việc mời bác sĩ về làm là cực khó”. Việc đi mời các bác sĩ tham gia bệnh viện do đích thân người sáng lập là bà Nguyễn Thu Cúc trực tiếp thuyết phục mời về. Có lý, có tình, có sự chân thành tha thiết, cuối cùng, bệnh viện tư này cũng có được những cái gật đầu ủng hộ và tham gia đồng hành từ các giáo sư, bác sỹ giỏi. Mấy năm sau, khi viện phát triển khoa Ung bướu, cũng chính bà Thu Cúc lại lặn lội sang Singapore thuyết phục các bác sĩ nước ngoài sang Việt Nam chữa trị.
Sau khi giải quyết được bài toán về chuyên môn khiến khách hàng yên tâm, việc khó tiếp theo đến từ khâu vận hành. Thời điểm đó, môi trường bệnh viện tư, khám dịch vụ chưa phổ biến trên thị trường, do vậy, từng bước nhỏ trong quy trình khám đều mất thời gian để giúp nhân viên y tế thay đổi thói quen làm việc.
Đơn cử như vấn đề chăm sóc khách hàng, ở bệnh viện Thu Cúc, nay là Thu Cúc TCI, người dân sẽ được chăm sóc trước cả khi đặt chân đến cơ sở khám.
“Chúng tôi luôn chủ động cung cấp thông tin, bệnh viện khám những bệnh gì, khám như nào. Khách hàng sẽ được tư vấn kỹ lưỡng từ bác sĩ, tiền viện phí, bảo hiểm y tế đến những chi tiết nhỏ như có cần nhịn ăn hay không cần nhịn ăn trước khi khám hay không”, bà Mai hồ hởi liệt kê. Những thông tin được cung cấp qua hệ thống website và tổng đài bệnh viện một cách rõ ràng và dễ hiểu.
Nguyên tắc hoạt động của viện, theo bà Mai, là cố gắng đáp ứng đúng những gì đã cam kết với khách hàng trước đó. “Chúng tôi luôn tuân thủ việc nói được, làm được, tạo thành sự thống nhất, uy tín với khách hàng”, bà Mai nói rất tâm huyết.
Chu trình chăm sóc sức khoẻ sẽ kéo dài ngay cả khi khách hàng đã về nhà. “Bộ phận chăm sóc khách hàng của bệnh viện sẽ gọi điện để kiểm tra lại về chất lượng dịch vụ, xử lý các thắc mắc của khách hàng. Chúng tôi cũng in số điện thoại của bác sĩ trực tiếp khám trên đơn thuốc phòng trường hợp người bệnh có nhu cầu hỏi lại. Thường thì khi ngồi khám người bệnh không nghĩ ra câu hỏi đâu, về nhà đọc lại hồ sơ bệnh án và uống thuốc mới bật ra các vấn đề cần hỏi”, bà nói.
Lấy khách hàng làm trung tâm để chăm sóc đã khiến bệnh viện nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Giá trị cốt lõi này sẽ không thay đổi cho dù bệnh viện được gọi là Thu Cúc hay Thu Cúc TCI.
“Do vậy, chúng tôi tin tưởng là đã có 10 năm kinh nghiệm làm tốt, chất lượng tốt, hoạt động vì khách hàng thì việc phát triển tiếp, dưới một cái tên mới không phải là điều đáng ngại”, bà Mai nói.
Đây cũng là sự thống nhất, xuyên suốt với quan điểm của người sáng lập ngay từ những ngày đầu xây dựng bệnh viện.
“Hồi đó chị Cúc khi bắt tay vào làm đã nói, làm đẹp là cho người khoẻ, người có tiền, còn khám chữa bệnh mang ý nghĩa lớn hơn, giúp ích cho cộng đồng. Lúc đó bệnh viện công quá tải quá trời. Người bình thường vào đó cũng khổ, còn người có tiền hơn ra nước ngoài khám cũng không quá sướng vì đủ thứ bất đồng ngôn ngữ, ngoại tệ cũng theo đó mà chảy máu. Do đó chị Cúc có tham vọng được gánh vác một phần gì đó...”, bà Mai nhớ lại.
2Giấc mơ chăm sóc sức khoẻ
người Việt theo hướng mới
Khoản đầu tư từ VinaCapital sẽ cho phép Thu Cúc TCI vững mạnh hơn về tài chính, phần nào góp phần vào tham vọng của hệ thống y tế này. Đầu tiên là mở rộng hệ thống để đáp ứng được nhu cầu thăm khám bệnh của người dân, hạn chế việc đi lại quá xa. Hiện Thu Cúc TCI là một trong số những bệnh viện tư Việt Nam có số lượng bệnh nhân đến hàng ngày thuộc top đông nhất. “Ngay sau đây, đầu năm 2021, chúng tôi sẽ chào đón cơ sở mới tại Linh Đàm, rộng hơn 7.000 m2”, bà Mai thông tin.
Trước đó, hệ thống y tế này đã mở rộng bệnh viện tại 286 Thuỵ Khuê với quy mô lớn gấp 3 lần (1.500m2) và khai trương phòng khám tại 216 Trần Duy Hưng (7.000m2).
Thứ hai là việc đầu tư mới máy móc, cải tiến quá trình thăm, khám bệnh. Theo bà Mai, đây là hoạt động luôn được Thu Cúc TCI chú trọng trong các năm vừa qua. “Chúng tôi luôn phải tìm tòi, cập nhật thông tin thị trường y tế để đưa các máy móc, công nghệ mới trên thế giới về viện. Đã có nhiều trường hợp máy móc ở Thu Cúc TCI có nhưng những nơi khác chưa thể có ngay”, bà nói.
Dù không làm chuyên môn, bà Mai vẫn nhớ chi tiết về các thiết bị, phương pháp mới mà bệnh viện đã tìm cách đưa về. Ví dụ như dao plasma có chức năng hàn mạch trong quá trình phẫu thuật giúp hạn chế chảy máu và mau lành vết mổ, đầu tư thiết bị và học hỏi phương pháp nội soi chẩn đoán ung thư sớm của Nhật Bản, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng quy trình nội soi không đau không khó chịu bao gồm cả nội soi qua đường mũi cho người bệnh tiêu hóa, máy tán sỏi không cần phẫu thuật…vv
Ở Thu Cúc TCI, có một đội ngũ chuyên làm công tác nghiên cứu, cập nhật các thông tin về công nghệ, thiết bị y tế mới. Mặt khác, các bác sĩ trong quá trình làm việc cũng có thể đề xuất về máy móc, thiết bị để phục vụ cho việc khám chữa bệnh. Thu Cúc TCI cũng lắng nghe cả đề xuất của khách hàng, nhằm có sự phục vụ tốt hơn. Không tiết lộ cụ thể khoản đầu tư cho thiết bị y tế nhưng bà Mai cho biết số tiền này năm sau tăng cao hơn năm trước và không có xu hướng bị hạn chế.
“Tôn chỉ của chúng tôi là cái gì tốt cho khách hàng thì mình làm. Khách có nhu cầu thì chúng tôi đáp ứng, chỉ đơn giản vậy thôi!”, bà Mai tóm tắt ngắn gọn.
với nụ cười để kiểm tra sức khoẻ chứ không chỉ là nơi tìm đến khi có bệnh
Các bác sĩ ở Thu Cúc TCI cũng được yêu cầu học hỏi, phát triển không ngừng. Hệ thống này luôn duy trì hai thế hệ bác sĩ: những người đầu ngành, có uy tín trong giới và lớp trẻ kế cận, tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng trong chăm sóc bệnh nhân. Bởi hình mẫu mà bệnh viện này hướng đến là Người chăm sóc, theo bà Mai, nghĩa là luôn tận tâm chăm sóc ân cần, gần gũi, chia sẻ với người bệnh, tạo cho người bệnh cảm giác dễ chịu với những trải nghiệm như đi nghỉ dưỡng nhưng được chăm sóc như người nhà.
Thăm khám chất lượng cao, dịch vụ tốt, nhưng hệ thống Thu Cúc TCI không chỉ dành cho người giàu. Bà Mai khẳng định chi phí khám bệnh ở Thu Cúc TCI chỉ tương đương với chi phí khám tự nguyện tại các viện công. Mặt khác, Thu Cúc TCI cũng thực hiện rất tốt và đúng quyền lợi cho người thăm khám có bảo hiểm y tế.
“Chúng tôi có mở nhiều phòng khám vệ tinh, thông tuyến bảo hiểm. Đấy là cách chúng tôi hỗ trợ cả những người không có nhiều điều kiện. Dù tiêu chí chất lượng cao, đối tượng mà chúng tôi hướng đến là số đông người dân, không phải chỉ là một nhóm khách hàng”, bà Mai - Giám đốc Marketing của bệnh viện khẳng định.
Bà Mai cho biết, Thu Cúc TCI là địa điểm mà khách hàng đến và bước vào với nụ cười để kiểm tra sức khoẻ chứ không chỉ là nơi tìm đến khi có bệnh.
“Chúng tôi hướng đến hình mẫu người hiện đại, là những người có tư duy hướng đến phương pháp chăm sóc sức khoẻ mới trên thế giới, mang lại chất lượng sức khỏe cao hơn cho con người. Luôn ứng dụng những công nghệ hiện đại trong kỷ nguyên mới để chăm sóc sức khỏe cho mọi người”, bà Lê Mai nhấn mạnh.