TPHCM:

Thực phẩm bẩn: Do quy hoạch và xử lý chưa tốt!

(Dân trí) - Tại buổi làm việc (ngày 15/12) giữa đoàn công tác Ủy ban Các vấn đề Xã hội (Quốc hội) và UBND TPHCM sau chuyến giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của đoàn tại một số quận huyện trên địa bàn, 4 vấn đề đã được chỉ ra và tìm hướng khắc phục.

img-3176-1481815286473

Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho bữa ăn của cả cộng đồng là nhiệm vụ nhiều khó khăn

Lỏng lẻo trong quản lý hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Quốc hội) cho biết: TPHCM đã có quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nguồn gốc, chất lượng thực phẩm. Giết mổ tập trung bước đầu cho thấy tính hiệu quả hơn nhiều so với giết mổ thủ công hoặc bán công nghiệp, hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến bữa ăn của cộng đồng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, thực tế giám sát của đoàn Đại biểu Quốc hội cho thấy, một số tồn tại do công tác quản lý tại các lò giết mổ tập trung còn lỏng lẻo. Ông đề nghị thành phố cần siết chặt hơn nữa việc kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý phải tiến hành kiểm định thường xuyên, liên tục và xuyên suốt các công đoạn tại các lò giết mổ, không nên kiểm tra chỉ một công đoạn.

Khó đảm bảo ATVSTP khi suất ăn "giá bèo"

Qua thực tế giám sát tại TPHCM (ngày 14/12) Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Quốc hội) thẳng thắn đánh giá: Hiện thành phố đang tồn tại những bếp ăn tập thể với mức giá khoảng 15 nghìn đồng mỗi suất. Trong khi giá nguyên liệu thực phẩm đầu vào cao, việc chế biến trải qua nhiều công đoạn phát sinh phí dịch vụ, mức giá trên rất khó để đảm bảo chất lượng an toàn cho bữa ăn sẽ làm gia tăng nguy cơ ngộ độc. Bữa ăn nghèo dinh dưỡng cũng tác động xấu đến quá trình tái tạo sức khỏe cho người lao động, ảnh hưởng đến năng suất công việc.

Mỗi suất ăn công nghiệp hiện có mức giá 15 nghìn đồng nên khó đảm bảo chất lượng, an toàn
Mỗi suất ăn công nghiệp hiện có mức giá 15 nghìn đồng nên khó đảm bảo chất lượng, an toàn

Là thành phố có dân số đông nhất cả nước, địa bàn rộng để đảm bảo an toàn cho bữa ăn của từng người, từng hộ gia đình là nhiệm vụ rất khó khăn.

Ngoài nguy cơ thực phẩm không đảm bảo chất lượng trà trộn và bếp ăn công nghiệp, quán ăn, quán nhậu... thì một bộ phận dân cư có mức thu nhập thấp thường sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Điều này, tạo thuận lợi cho thực phẩm kém chất lượng len lỏi lưu hành bất hợp pháp trên thị trường.

Chưa quy hoạch việc buôn bán hóa chất, phụ gia thực phẩm

Ngoài ra, việc buôn bán hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm chưa có quy hoạch tách biệt trong hoạt động kinh doanh khiến công tác quản lý khó khăn, gia tăng nguy cơ sử dụng chất cấm, hoặc lạm dụng phụ gia trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND thành phố cho hay: “Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, thành phố đang hướng tới việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu đầu vào của thực phẩm và hóa chất phụ gia”.

Hóa chất công nghiệp và phụ gia thực phẩm bán cùng một điểm tại chợ Kim Biên
Hóa chất công nghiệp và phụ gia thực phẩm bán cùng một điểm tại chợ Kim Biên

Để thực hiện được nhiệm vụ quản lý, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Thu kiến nghị nhà nước cần ban hành quy định tách biệt kinh doanh hóa chất công nghiệp và phụ gia thực phẩm. Những cơ sở bán phụ gia thực phẩm phải quy hoạch bán trong cửa hàng đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ngoài ra, thành phố sẽ lập đội cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm cấp xã - phường để quản lý tốt hơn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ. Việc lập đội cán bộ chuyên trách cấp cơ sở sẽ giải quyết tình trạng thiếu nhân sự, giúp hoạt động giám sát, kiểm soát thực phẩm diễn ra thường xuyên và liên tục.

Chưa công khai các cơ sở không đạt tiêu chuẩn

Bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực trong công tác quản lý thực phẩm của TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đang cân nhắc phương án xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm luật an toàn thực phẩm theo hình thức tăng mức xử phạt hành chính gấp 7 lần so với giá trị lô hàng.

Thứ trưởng cũng đề nghị thành phố cần quyết liệt hơn trong công tác quản lý, công khai thông tin tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn để người tiêu dùng “tẩy chay”, đồng thời cũng công khai danh sách những cơ sở đạt tiêu chuẩn để người tiêu dùng lựa chọn.

Vân Sơn