Thực hư người bệnh bị phòng khám lừa tiền

Hai người bệnh tố cáo bị hai phòng khám vòi tiền và vẽ thêm bệnh, còn phòng khám thì kêu oan và đòi bệnh nhân trưng ra bằng chứng.

“Ngày 9-5, tôi đến Phòng khám (PK) đa khoa T.L. (đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM) để t ư vấn điều trị xuất tinh sớm và cắt bao quy đầu” - ông Cam Văn Sơn (31 tuổi, Bình Dương) nói với Pháp Luật TP.HCM.

Có vẽ thêm bệnh?

Theo ông Sơn, sau khi được tư vấn về cắt bao quy đầu, nhân viên PK đưa ông vào phòng tiểu phẫu. Khi ông Sơn nằm trên bàn mổ, nhân viên đưa ra ba gói tiền cắt bao quy đầu lần lượt là 2,8 triệu đồng, 4,8 triệu đồng và 6,8 triệu đồng. Khi ông Sơn chọn gói tiền 2,8 triệu đồng, nhân viên PK liên tục thuyết phục ông nên chọn gói tiền cao hơn để an toàn. Nhân viên PK còn nói nếu ông Sơn chọn gói 4,8 triệu đồng thì sẽ bớt 1 triệu đồng.

“Thuyết phục tôi không được, cuối cùng nhân viên PK đồng ý thực hiện cắt bao quy đầu với giá 2,8 triệu đồng và yêu cầu tôi ký giấy đồng ý tiểu phẫu. Tôi không hiểu tại sao nhân viên PK không tư vấn giá tiền cắt bao quy đầu trước khi tôi lên bàn mổ. Tôi cũng thắc mắc tại sao nhân viên PK bắt tôi ký giấy đồng ý tiểu phẫu khi tôi đang nằm trên bàn mổ” - ông Sơn nói tiếp.

Cũng theo ông Sơn, mặc dù cắt bao quy đầu với giá 2,8 triệu đồng nhưng sau đó PK thu tới 3,5 triệu đồng. “Chưa hết, trong lúc cắt bao quy đầu cho tôi, một nhân viên PK tự nhận là bác sĩ nói dương vật tôi có khối u gây tắc nghẽn mạch máu, nếu không điều trị sẽ bị vô sinh và ung thư. Tôi còn được nhân viên PK thông báo chi phí mổ từ 18 đến 20 triệu đồng. Tôi không đồng ý, nhân viên PK liên tục nói những nguy hại do khối u gây ra. Tôi vừa bức xúc vừa thấy mình bị PK lừa gạt và vẽ thêm bệnh” - ông Sơn nói.

Thực hư người bệnh bị phòng khám lừa tiền - 1

Bên trong Phòng khám đa khoa Đ.V. bị bệnh nhân tố vòi tiền và vẽ thêm bệnh . Ảnh: TRẦN NGỌC

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện PK đa khoa T.L. cho biết trước khi thực hiện cắt bao quy đầu, ông Sơn đã được PK tư vấn bệnh tình và giá cả. “Sau khi ông Sơn chấp nhận giá tiền và ký vào giấy đồng ý tiểu phẫu, PK mới thực hiện cắt bao quy đầu” - vị đại diện PK này cho biết thêm.

Vị đại diện PK này còn cho biết 2,8 triệu đồng chỉ là chi phí cắt bao quy đầu. Còn tiền thuốc thì ông Sơn phải đóng thêm. Số tiền 3,5 triệu đồng gồm cả tiền cắt bao quy đầu, tiền thuốc và điều này ông Sơn đã được PK tư vấn rất rõ. “Còn chuyện ông Sơn nói PK vẽ thêm bệnh khối u dương vật, tôi khẳng định hoàn toàn không có. Nếu ông Sơn nói PK vẽ thêm bệnh thì phải đưa ra bằng chứng rõ ràng” - vị đại diện PK này nói.

Bị giữ chứng minh nhân dân do nợ tiền tiểu phẫu

Tương tự, ông Tô Văn Dũng (31 tuổi, Đồng Nai) cũng có nhiều bức xúc đối với PK đa khoa Đ.V. (trên đường Ba Tháng Hai, quận 11, TP.HCM).

Theo đó, ông Dũng cho hay ngày 7-5, ông đến PK đa khoa Đ.V. để khám bệnh liên quan đến nam giới. “Sau khi làm chi phí xét nghiệm hết 1,6 triệu đồng, nhân viên PK đưa tôi lên bàn mổ và nói phải cắt bao quy đầu với giá 6,8 triệu đồng. Khi đang tiểu phẫu, nhân viên PK nói tôi bị “ba cái nang” và phải cắt bỏ với giá 9 triệu đồng để không bị vô sinh, ung thư. Tôi sợ quá nên đồng ý” - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, toàn bộ chi phí xét nghiệm, cắt bao quy đầu, cắt bỏ nang tổng cộng trên 19 triệu đồng. Do không đủ tiền nên ông Dũng nợ lại PK hơn 17 triệu đồng và phải thế chấp chứng minh nhân dân.

Trong khi đó, đại diện PK đa khoa Đ.V. cho rằng ông Dũng đã ký giấy cam kết đồng ý và chấp nhận chi phí dịch vụ trước khi thực hiện cắt bao quy đầu. “Do vậy, ông Dũng không thể nói nhân viên PK tư vấn giá cả khi ông Dũng đã lên bàn tiểu phẫu” - vị đại diện nói, đồng thời đưa phóng viên xem giấy cam kết có chữ ký của ông Dũng.

Vị đại diện cho biết thêm, nhân viên PK cũng không nói ông Dũng bị “ba cái nang” và tư vấn cắt bỏ. “Thông tin này do ông Dũng tự đưa ra. Cũng cần nói thêm, chi phí cắt bao quy đầu cho ông Dũng là 6,8 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Dũng chỉ đóng trước 2 triệu đồng. Số tiền còn lại ông Dũng vẫn chưa thanh toán cho PK. Ngoài ra, PK cũng không giữ chứng minh nhân dân của ông Dũng” - vị đại diện nói.

Phóng viên đặt câu hỏi: “Vì sao ông Dũng chưa đóng đủ tiền mà PK vẫn thực hiện cắt bao quy đầu?”. “Vì muốn làm hài lòng bệnh nhân nên PK cho bệnh nhân thiếu tiền và thanh toán sau. Thế nhưng không hiểu sao ông Dũng không cho số điện thoại nên chúng tôi không thể liên lạc để yêu cầu thanh toán khoản tiền còn lại” - vị đại diện trình bày.

Tìm trên mạng và yên tâm với tư vấn “có cánh”

Cả hai bệnh nhân, ông Cam Văn Sơn và ông Tô Văn Dũng, đều cho biết họ đã tìm kiếm trên mạng xã hội, phát hiện ra PK đa khoa T.L. và Đ.V. Sau khi được nhân viên của hai PK tư vấn qua mạng với những lời lẽ “có cánh” về các bệnh nam khoa và cách điều trị, họ cảm thấy yên tâm và tìm đến.

Sở Y tế đang xem xét

Ông Cam Văn Sơn và ông Tô Văn Dũng cũng đã gửi đơn phản ánh tới Sở Y tế TP.HCM. Sở này đã đến hai PK nói trên để ghi nhận thông tin ban đầu và xem hồ sơ bệnh án. Hiện Sở Y tế TP.HCM chưa có kết luận cuối cùng về hai trường hợp này.

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM