Thông tin người bệnh sốt xuất thủng ruột vì ăn cơm là không đúng!

(Dân trí) - Những băn khoăn của độc giả về việc ăn cơ gây thủng ruột, chỉ được ăn cháo, truyền dịch gây loãng máu... đã được các chuyên gia y tế của Cục Y tế dự phòng và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương giải đáp cặn kẽ.

Xin mời bạn đọc theo dõi cuộc Giao lưu trực tuyến TẠI ĐÂY.


Phó Tổng biên tập báo Dân trí, nhà báo Nguyễn Lương Phán (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm (thứ 3 từ phải sang) và ông Nguyễn Đức Khoa (thứ 2 từ trái sang)

Phó Tổng biên tập báo Dân trí, nhà báo Nguyễn Lương Phán (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm (thứ 3 từ phải sang) và ông Nguyễn Đức Khoa (thứ 2 từ trái sang)

hoàng sen - Nữ 30 tuổi: Xin bác sỹ cho biết thông tin nếu mắc sốt suất huyết ko được ăn cơm vì ăn cơm sẽ bị thủng ruột có đúng ko ạ?và nếu bệnh nhân mắc sốt suất huyết thì chế độ dinh dưỡng và chăm sóc như thế nào là tốt nhất? Xin chân thành cảm ơn!

ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng, BV Bệnh nhiệt đới TƯ (Hà Nội):

Thông tin người bệnh sốt xuất huyết ăn cơm gây thủng ruột là hoàn toàn sai lầm. Bệnh sốt xuất huyết nặng có thể gây chảy máu đường tiêu hóa nhưng không gây ra thủng ruột. Chế độ ăn trong bệnh sốt xuất huyết không phải kiêng khem, cần đảm bảo đủ năng lượng với thành phần dinh dưỡng hợp lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ăn chín uống sôi, vệ sinh tay).

Ngọc Vân - Nữ 27 tuổi: Với bệnh nhân bị sốt xuất huyết, tốt nhất không nên đánh răng để tránh chảy máu và làm bệnh nặng hơn có đúng không ạ?

ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng, BV Bệnh nhiệt đới TƯ (Hà Nội):

Khi bị sốt xuất huyết, không phải kiêng đánh răng một cách tuyệt đối, chảy máu chân răng ở bệnh nhân sốt xuất huyết có thể xảy ra một cách tự nhiên hoặc tăng lên khi có các yếu tố kích thích như động tác đánh răng.

Vì vậy, bị sốt xuất huyết với số lượng tiểu cầu còn cao thì vẫn có thể đánh răng nhẹ nhàng, không chà xát quá mạnh để giảm nguy cơ bị chảy máu chân răng. Đánh răng và chảy máu chân răng sẽ không làm bệnh sốt xuất huyết nặng lên.

Nguyễn Hùng - Nam 29 tuổi" Bạn tôi vừa nhập viện vì sốt xuất huyết. Nó bảo tôi và hàng xóm cẩn thận vì ở chung phòng,chắc thế nào cũng bị lây rồi. Xin hỏi khả năng tôi bị lây là bao nhiêu vì tôi mặc nhiều quần áo, lại chẳng thấy con muỗi nào lởn vởn trong phòng cả?

Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Cục Y tế dự phòng:

Nếu có người bệnh và có muỗi truyền bệnh thì có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có thói quen đốt người vào ban ngày, đặc biệt những lúc trời chập choạng, lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Vì vậy, ngoài việc ngủ màn, mặc quần áo dài thì bạn cần phải chú ý phòng muỗi đốt khi mới ra khỏi giường vào buổi sáng và khi chế biến thức ăn, sinh hoạt buổi chiều tối.

Về lâu dài, bạn cần vận động những người xung quanh thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng muỗi đốt như chúng tôi đã khuyến cáo ở trên để phòng bệnh cho cộng đồng.

Trần Hải Nam - Nam 40 tuổi: Tôi được biết vắc xin sốt xuất huyết vừa được công nhận ở 1 số nước nhưng ở Việt Nam lại thất bại. Phải chăng chủng vi rút sốt xuất huyết ở các nước như Mexico khác Việt Nam?

Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Cục Y tế dự phòng:

Vắc xin ngừa sốt xuất huyết cho người trên 9 tuổi đã kết thúc thử nghiệm tại châu Mỹ và cho kết quả phòng bệnh tốt, đã được cấp phép lưu hành tại Mexico và Philipine.

Tại Việt Nam, đã triển khai thử nghiệm vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết cho trẻ nhỏ từ năm 2011 và sẽ kết thúc vào năm 2017. Kết quả sau 3 năm tiêm phòng cho hiệu quả phòng giảm gần 60% trường hợp mắc bệnh và sẽ tiếp tục được theo dõi về hiệu quả và độ an toàn sau 5 năm. Đến năm 2017 sẽ có tổng kết và khuyến cáo về việc sử dụng vắc xin sốt xuất huyết cho trẻ nhỏ.

Đào Đức Tiến - Nam 34 tuổi: Tôi vừa bị sốt xuất huyết đã khỏi cách đây 1 tuần, xin hỏi bác sĩ tôi có phải kiêng khem gì không như ăn uống hoặc sinh hoạt vợ chồng...? có phải khi bị bẹnh nếu uống thuốc cảm cúm thông thường sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn không? hiện nay tôi thấy đầu vẫn còn nặng, hơi choáng váng, và thi thoảng còn chóng mặt nữa vậy là sao ạ?

ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng, BV Bệnh nhiệt đới TƯ (Hà Nội):

Sốt xuất huyết đã khỏi được 1 tuần thì không phải kiêng khem gì. Quan hệ vợ chồng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn, không liên quan đến bệnh sốt xuất huyết.

Còn việc uống các thuốc cảm cúm thông thường không làm nặng thêm tình trạng bệnh. Tuy nhiên cần tuyệt đối tránh uống các thuốc dẫn chất của salixilic, các thuốc giảm đau chống viêm không phải steroid vì sẽ làm rối loạn đông máu trầm trọng có khả năng dẫn tới tử vong.

Lê Đình Phú - Nam 62 tuổi: Tôi nghe nói đã có vắc xin sốt xuất huyết và 1 số quốc gia sẽ được sử dụng miễn phí loại vắc xin này. Vậy khi nào vắc xin này về Việt Nam? Liệu Việt Nam có được miễn phí loại vắc xin này không? Cảm ơn chuyên gia.

Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Cục Y tế dự phòng:

Vắc xin phòng chống sốt xuất huyết cho người từ 9 tuổi trở lên đã được nghiên cứu ở châu Mỹ và gần đây được Mexico và Philippine cấp phép lưu hành. Nhưng đến nay chưa có quốc gia nào đưa vắc xin này vào sử dụng. Bộ Y tế vẫn đang theo dõi chặt thông tin về hiệu quả và độ an toàn của vắc xin ngừa sốt xuất huyết để có những kế hoạch tiếp theo.

Báo Dân trí