Khánh Hòa:

Thời thực phẩm sạch lên ngôi, cửa hàng rau, quả an toàn.... “hốt bạc”

(Dân trí) - Vài năm gần đây, nhiều loại nông sản an toàn ở Khánh Hòa như sầu riêng, bưởi, rau xanh, tỏi... được trồng đúng quy chuẩn về an toàn thực phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận nên các cửa hàng bán thực phẩm sạch "ăn nên làm ra".

“Bỏ túi” tiền triệu nhờ bán thực phẩm sạch

Sáng 17/12, cũng như mọi ngày, cửa hàng nhỏ mang tên “thực phẩm sạch” của chị Nguyễn Như Quỳnh cùng nhóm bạn trên đường Lý Tự Trọng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) đón một lượng khách nhất định đến mua thực phẩm sạch như: thịt, trứng, cá, rau xanh...

Chị Quỳnh cho biết, cửa hàng này chị cùng với 2 người bạn hùn vốn mở ra cách nay đã 3 năm, với mục đích đưa thực phẩm sạch đến với người dân phố biển Nha Trang.

“Bây giờ vấn đề ăn uống, tiêu dùng thực phẩm cũng có nhiều vấn đề như thực phẩm không tốt, thực phẩm bẩn, tẩm hóa chất xuất hiện cũng nhiều trên thị trường. Do đó, chúng tôi lập ra cửa hàng này để bán thực phẩm sạch, thực phẩm có nguồn gốc an toàn”, chị Quỳnh chia sẻ.

 Thời thực phẩm sạch lên ngôi, cửa hàng rau, quả an toàn.... “hốt bạc” - Ảnh 1.

Cửa hàng nhỏ trên đường Lý Tự Trọng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) mang tên “thực phẩm sạch” thu hút người mua nhờ sản phẩm an toàn

 Nguồn hàng sạch mà cửa hàng chị Quỳnh bày bán là những thực phẩm được lấy tại các mô hình đã được chứng nhận VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, chị ưu tiên lấy hàng tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa như sầu riêng Khánh Sơn, rau an toàn Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa), bưởi da xanh Khánh Vĩnh... sau khi đã tìm hiểu kỹ mô hình sản xuất.

“Ban đầu, người mua cũng ít và khách hàng đa phần là khách quen, bạn bè, hàng xóm. Do tiêu chuẩn hàng của mình cao hơn, giá cũng có cao một chút nhưng dần dần khách hàng cũng quen, cũng chấp nhận mua vì nó là thực phẩm an toàn”, chị Quỳnh nói.

Trong thời gian đầu bán thực phẩm sạch, sản phẩm tồn nhiều, cửa hàng chấp nhận thua lỗ trong một năm liền, đem tiêu hủy như đã cam kết. Đến nay, mỗi tháng doanh thu cửa hàng đạt từ 100-120 triệu đồng, lãi được khoảng 20 triệu đồng/tháng.

 Thời thực phẩm sạch lên ngôi, cửa hàng rau, quả an toàn.... “hốt bạc” - Ảnh 2.

Rau xanh an toàn được trồng tại xã Ninh Thân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) được người mua lựa chọn

"Nở rộ" mô hình sản xuất, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Chia sẻ về nhu cầu người tiêu dùng, thị trường đối với các sản phẩm nông sản sạch Khánh Hòa, chị Quỳnh cho biết: người tiêu dùng cũng biết đến các sản phẩm nông sản an toàn Khánh Hòa như sầu riêng Khánh Sơn, bưởi da xanh Khánh Vĩnh, tỏi Ninh Phước...

“Khách hàng người ta cũng ủng hộ nông sản sạch địa phương cũng nhiều, qua các hội chợ nông sản. Quan trọng là giá cả, bởi những nông sản sạch Khánh Hòa rẻ hơn, chất lượng sản phẩm cũng ổn định, ăn ngon”, chị Quỳnh đánh giá.

Do đó, nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại TP Nha Trang bày bán nhiều nông sản sạch, thực phẩm an toàn được trồng, sản xuất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nhưng giá cả rất cạnh canh, phù hợp với túi tiền người mua.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa, cửa hàng của chị Quỳnh là một trong 27 địa điểm kinh doanh sản phẩm an toàn theo chuỗi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, các sản phẩm được xác nhận sản phẩm an toàn tại các điểm này đều được dán tem chứng nhận sản phẩm an toàn, qua đó để người tiêu dùng biết, lựa chọn.

 Thời thực phẩm sạch lên ngôi, cửa hàng rau, quả an toàn.... “hốt bạc” - Ảnh 3.

Mô hình sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa) được trồng theo quy chuẩn an toàn, đem lại tiền tỷ cho người dân

  

Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa, cho biết, trong năm 2018 đã hoàn thành chứng nhận VietGAP cho 3 mô hình tỏi ở Ninh Vân, Ninh Phước, Vạn Hưng và mô hình sầu riêng Khánh Sơn.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn Sở này tiếp tục tư vấn, hướng dẫn nhân rộng 7 mô hình đã được chứng nhận VietGAP, gồm: Mô hình cung cấp rau an toàn tại xã Ninh Đông, xã Ninh Thân (thị xã Ninh Hòa); mô hình cung cấp rau an toàn tại thôn Đắc Lộc (TP Nha Trang); mô hình trồng bưởi da xanh, xoài, sầu riêng Khánh Vĩnh; mô hình tỏi Ninh Vân, Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa), tỏi Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh).

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Khánh Hòa, trong năm 2018, đã tổ chức kiểm tra 652 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn. Kết quả, 319 cơ sở đạt loại A (chiếm 48,9%), 330 cơ sở đạt loại B (chiếm 50,6%) và 3 cơ sở đạt loại C (chiếm 0,5%).

“Qua công tác kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã cho thấy nhận thức của chủ cơ sở cũng như người tham gia sản xuất được nâng cao rất nhiều”, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Khánh Hòa nhận định.

Viết Hảo