Thói quen xấu gây ung thư lưỡi nhiều người Việt đang mắc phải

(Dân trí) - Một người vừa hút thuốc vừa uống rượu thì nguy cơ mắc ung thư đầu mặt cổ, trong đó có ung thư lưỡi tăng lên 10-15 lần.

Ung thư lưỡi là u ác tính nguyên phát tại lưỡi, trong đó chủ yếu là ung thư biểu mô vảy (chiếm >95%). Đây là bệnh ung thư thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng (chiếm 30-40%).

Ung thư lưỡi chủ yếu gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Vài năm gần đây số ca bệnh ung thư lưỡi tại Bệnh viện K Trung ương ngày càng gia tăng.

Thói quen xấu gây ung thư lưỡi nhiều người Việt đang mắc phải - 1

Đa số người bệnh ung thư lưỡi đến viện khi đã ở gia đoạn muộn. Ảnh minh họa. 

Nguyên nhân dẫn tới ung thư lưỡi

Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), hầu hết các trường hợp người bệnh mắc ung thư lưỡi không tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh nhưng người ta cho rằng có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh.

Trong đó bao gồm:

Hút thuốc lá

Nghiên cứu cho thấy nếu hút 15 điếu ngày kéo dài 20 năm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư cao gấp 5 lần so với người không hút. Dòng khói từ đầu điếu thuốc lá đang cháy có chứa các chất độc gây ung thư nhiều hơn dòng khói chính do người hút hít vào trong phổi của mình. 

Rượu

Nếu một người vừa hút thuốc vừa uống rượu thì nguy cơ mắc ung thư đầu mặt cổ tăng lên 10-15 lần.

Nhai trầu

Đây là yếu tố nguy cơ trong ung thư khoang miệng. Người nhai trầu có nguy cơ mắc cao gấp 4-35 lần so với người không nhai trầu. 

Tình trạng vệ sinh răng miệng

Vệ sinh răng miệng kém, hàm răng giả không tốt, răng mẻ kích thích lâu ngày đưa đến dị sản và ung thư.

Nhiễm vi virus HPV

Nhiễm virus HPV, đặc biệt là type 2, 11, 16 đã được chứng minh là thấy nhiều trong những bệnh nhân bị ung thư khoang miệng.

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, E, D, sắt, hoa quả cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư khoang miệng, trong đó có ung thư lưỡi.

Chẩn đoán bệnh

Ung thư lưỡi được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng trên nhưng quan trọng nhất là sinh thiết u để có thể xác định chính xác. Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm khác để chẩn đoán giai đoạn bệnh như: xét nghiệm tế bào học tại hạch cổ, chụp X-quang xương hàm dưới, X-quang tim phổi, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, cộng hưởng từ sọ não, xạ hình xương, PET/CT... để đánh giá tình trạng di căn.

Ung thư lưỡi là bệnh có thể phát hiện và chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân ung thư lưỡi đến điều trị ở giai đoạn muộn ở nước ta còn cao.

Các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng ở giai đoạn nên rất dễ bị bỏ qua. Thường người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh. Ngoài ra ở lưỡi có một điểm nổi phồng với sự thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ.

Vì thế, bác sĩ khuyên mọi người khi thấy dấu hiệu bất thường như có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc vết loét nhỏ; nhai nuốt mất cảm giác thì nên đi khám để được phát hiện bệnh sớm.

Ở giai đoạn sớm bệnh có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật. Ở giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Trong một số trường hợp ở giai đoạn muộn khi có chảy máu nhiều tại u phải phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài để cầm máu.

Hà An