Thở hoặc nói chuyện là đường lây virus corona phổ biến nhất

(Dân trí) - Thở hoặc nói chuyện là đường lây virus corona phổ biến nhất, còn lây qua các bề mặt chỉ chiếm vai trò nhỏ, nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy.

Thở hoặc nói chuyện là đường lây virus corona phổ biến nhất - 1

Hơi thở có thể là đường lây truyền phổ biến nhất của Covid-19, nêu bật tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang

Các nhà khoa học Trung Quốc thấy rằng bệnh nhân Covid-19 thở ra hàng triệu hạt virus mỗi giờ, ngay cả khi họ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của khẩu trang, mà hiện người dân Anh chỉ được khuyên nên đeo khi đi trên phương tiện giao thông công cộng hoặc trong các cửa hàng đông người.

Nhưng việc đeo khẩu trang không phải là bắt buộc ở Anh, không giống như ở các nước châu Âu khác như Đức, Cộng hòa Séc và Áo, tất cả đều tránh được các cuộc khủng hoảng lớn.

Theo các chuyên gia, hiện bằng chứng đã cho thấy rõ việc bắt buộc đeo khẩu trang sẽ "có tác động lớn nhất" trong ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Giống như hầu hết các bệnh đường hô hấp, căn bệnh dễ lây này lan truyền qua những giọt nước nhỏ mang theo các hạt virus.

Trước đây người ta đã nghĩ rằng nguồn lây truyền chính là thông qua những giọt bắn từ ho và hắt hơi.

Nhưng phát hiện mới nhất cho thấy virus corona có thể lây lan dễ dàng trong các giọt khí trong hơi thở và có thể giải thích lý do tại sao bệnh lại, lây lan nhanh chóng như vậy trên khắp thế giới.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nhà vệ sinh và bề mặt sàn là “ổ chứa” virus - nhưng các vật dụng hàng ngày như điện thoại di động thì không.

Nghiên cứu, chưa được công bố trên tạp chí khoa học cũng như chưa được bình duyệt, do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh tiến hành.

35 bệnh nhân Covid-19 được nghiên cứu và gần 300 mẫu virus được thu thập từ hơi thở, trên các bề mặt và trong không khí trong bệnh viện.

Nghiên cứu cho thấy, trung bình, lượng virus trong hơi thở của bệnh nhân nhiều gấp 3 lần trên các bề mặt (16,7% so với 5,4%).

Tải lượng virus trong hơi thở của bệnh nhân cũng cao hơn 4 lần so với các mẫu không khí (3,8%) trong buồng bệnh và hành lang.

Nhận xét về những phát hiện này, Ian Jones, chuyên gia về virus tại Đại học Reading, cho biết nghiên cứu này là “rất xác đáng”.

“Các giọt khí là nguồn virus lớn nhất và ngăn chặn chúng, ví dụ như bằng khẩu trang, sẽ có tác động lớn nhất”.

Các bề mặt bị nhiễm bẩn từng được cho là một trong những đường lây chính của Covid-19, sau khi nhiều nghiên cứu cho thấy virus có thể tồn tại trên kim loại và nhựa trong nhiều ngày.

Nhưng nghiên cứu của Trung Quốc chỉ tìm thấy một tay vịn có mức virus có thể gây nhiễm trùng.

Trong bài báo, các nhà nghiên cứu - dẫn đầu bởi Giáo sư Jianxin Ma, từ CDC Bắc Kinh - nói: “Những quan sát này không ủng hộ niềm tin phổ biến rằng lây trực tiếp qua tiếp xúc với bề mặt đóng vai trò chính trong sự lan truyền Covid-19”.

Trong số 5 loại bề mặt, nhà vệ sinh có SARS-CoV-2 cao nhất - tỷ lệ dương tính là 16,7%.

Tiếp theo là sàn bệnh viện (12,5%), các bề mặt bệnh nhân chạm vào như thùng rác, cửa và tay vịn (4%) và thiết bị y tế (2,6%).

Đáng ngạc nhiên, chỉ có hai trong số 22 miếng phết bề mặt từ điện thoại di động của bệnh nhân Covid-19 có mức virus có thể gây nhiễm trùng - mặc dù các thiết bị này được cho là chứa mầm bệnh.

Các nhà nghiên cứu cho biết lượng virus mà bệnh nhân thở ra chịu ảnh hưởng của giai đoạn bệnh và có thể cả tuổi của họ.

Họ thấy tỷ lệ phát SARS-CoV-2 trong hơi thở là cao nhất trong vòng 3 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng, với bệnh nhân thở ra trung bình 105 hạt virus mỗi phút.

Phát hiện này phù hợp với các báo cáo trước đây cho thấy tải lượng virus trong bệnh phẩm họng là cao nhất tại thời điểm khởi phát triệu chứng.

Các nhà nghiên cứu cũng gợi ý rằng những người trên 50 tuổi thở ra nhiều virus vào không khí hơn những bệnh nhân trẻ tuổi hơn, nhưng họ thừa nhận kích thước mẫu nghiên cứu là quá nhỏ để có thể kết luận chắc chắn.

Người trung niên và người cao tuổi khó chống lại virus hơn người trẻ.

Điều đó có nghĩa là virus có thể di chuyển và nhân lên trong cơ thể họ dễ dàng hơn, làm tăng lượng nhiễm trùng trong hệ hô hấp.

Vì chứa nhiều virus hơn, nên những đối tượng này cũng phát ra nhiều virus hơn khi thở.

Các nhà khoa học viết: “Các giọt hô hấp lớn và lây qua tiếp xúc trực tiếp hiện được coi là những đường lây chính của Covid-19.

Trái lại, chúng tôi thấy rằng bề mặt của điện thoại di động và các tay cầm khác nhau được sử dụng thường xuyên bởi bệnh nhân Covid-19 có xác suất hiện diện SARS-CoV-2 rất thấp.

'Bằng chứng từ nghiên cứu cho thấy phát thải từ hơi thở ra có thể là cơ chế gieo rắc SARS-CoV-2 đáng kể nhất, có thể góp phần lớn vào các cụm nhiễm trùng đã thấy và đại dịch đang diễn ra.

“Theo đó, các biện pháp như tăng cường thông gió và sử dụng khẩu trang là thiết yếu để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng SARS-CoV-2 lây qua không khí”.

Kết quả trên được đưa ra sau khi một nghiên cứu khác ở Mỹ phát hiện ra rằng nói chuyện trong không gian hạn chế có thể làm lây lan virus corona.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia (NIH) thấy rằng những giọt nước bọt chứa các hạt virus corona gây nhiễm có thể tồn tại trong không khí trong vòng 8 đến 14 phút sau khi nói.

Đặc biệt đáng lo ngại là ngay cả một người không có triệu chứng của cũng có thể để lại dấu vết của virus trong không khí sau khi nói chuyện.

Cẩm Tú

Theo DM