Thêm nhiều nhân lực chất lượng cao cho y tế cơ sở

(Dân trí) - 19 bác sĩ chuyên khoa 1 sẽ được tào tạo theo hình thức “một thầy một trò”, “cầm tay chỉ việc” đảm bảo sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành những bác sĩ trẻ có tay nghề, có khả năng làm việc độc lập tại 13 vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Thêm nhiều nhân lực chất lượng cao cho y tế cơ sở - 1

Ngày 13.11, tại Trường Đại học Y dược Hải Phòng, Bộ Y tế tổ chức khai giảng lớp bác sĩ chuyên khoa I thuộc Dự án Bác sĩ trẻ tình nguyện công tác tại vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, khóa học này sẽ đào tạo19 bác sĩ trở thành những nhân lực chất lượng cao, hoàn toàn có khả năng làm việc độc lập khi về y tế cơ sở.

19 bác sĩ trẻ sẽ được đào tạo Chuyên khoa cấp I ở 07 chuyên ngành khác nhau như: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh và Truyền nhiễm tại trường Đại học Y - Dược Hải Phòng trong 24 tháng trước khi được đưa về vùng khó khăn làm công tác tình nguyện.

Theo Bộ Y tế, đây là những bác sĩ trẻ được lựa chọn theo các tiêu chuẩn đầu vào khắt khe trước đó, sẽ theo học khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa I thuộc Dự án “Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Người bệnh sẽ được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn ngay tại địa phương, qua đó, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Trường Đại học Y - Dược Hải Phòng và một số trường đại học y nhận trách nhiệm tổ chức đào tạo cho các bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia dự án.

Chương trình đào tạo chú trọng đến thực hành tay nghề chiếm 70% đơn vị học trình. Các bác sĩ sẽ được đào tạo như bác sĩ nội trú, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, bên cạnh đó trường còn giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 1 học viên và có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm khi ra trường họ có thể thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện. Trong thời gian đào tạo các bác sĩ được hỗ trợ tiền học phí, hưởng lương theo quy định và các chế độ khác của dự án.

Bộ Y tế cho biết, nhu cầu bác sĩ cho các huyện nghèo, khó khăn còn rất cao. Qua khảo sát, nhu cầu bác sĩ tại các huyện nghèo là 598/15 chuyên khoa, các CK có nhu cầu cao nhất là Sản 55 BS, Nội 53, Ngoại 49, Hồi sức cấp cứu 47, Nhi 44, Gây mê hồi sức 37, Truyền nhiễm 35, Y học dự phòng 71 và Chẩn đoán hình ảnh 33. Đến nay, dự án đã tổ chức 06 khóa cho 107 bác sỹ thuộc 10 chuyên khoa.

Hồng Hải