Thêm bằng chứng về hiệu quả của vitamin C trong điều trị ung thư

(Dân trí) - Nhóm nghiên cứu đã tiêm vào chuột thí nghiệm bị ung thư lượng vitamin C bằng 1 quả cam, vào mỗi ngày, trong nhiều ngày liên tiếp và đã thu được kết quả đầy bất ngờ.

Việc cho chuột bị ung thư sử dụng vitamin C liều cao đã làm gia tăng đáng kể hiệu quả chữa trị, bằng liệu pháp miễn dịch. Kết quả này được chỉ ra trong một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.

Thêm bằng chứng về hiệu quả của vitamin C trong điều trị ung thư - 1

Quay trở lại những năm 70 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu y khoa dự đoán rằng, việc cho bệnh nhân ung thư uống vitamin C liều cao, có thể giúp làm giảm tốc độ phát triển của khối u. Tuy nhiên, thất bại liên tiếp trong việc chứng minh lợi ích của vitamin C, ở các nghiên cứu sau đó đã khiến giới khoa học dần xa rời quan điểm này.

Vài năm trở lại đây, quan điểm vitamin C có thể mang đến lợi ích cho bệnh nhân ung thư lại một lần nữa được quan tâm, khi mà giới chuyên môn phát hiện ra rằng, cái sai của các nghiên cứu trước đây chính là cho bệnh nhân ung thư hấp thu vitamin C qua đường miệng, trong khi ruột lại không thể hấp thụ loại vi chất này ở liều cao, đồng nghĩa với việc các bệnh nhân thời đó đã không nhận được đủ lượng vitamin C cần thiết để tác động đến khối u.

Chính vì vậy, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã tiến hành tiêm vitamin C trực tiếp vào tĩnh mạch của chuột, như một cách để bổ trợ cho liệu pháp miễn dịch, sau đó theo dõi sự phát triển của khối u.

Thêm bằng chứng về hiệu quả của vitamin C trong điều trị ung thư - 2

Kết quả thu được thực sự rất khả quan. Theo đó, nhóm tác giả ghi nhận được rằng, khi tiêm vitamin C liều cao vào chuột bị ung thư, ngay cả khi không áp dụng liệu pháp miễn dịch để chữa trị, sự phát triển khối u ở chuột vẫn bị làm chậm lại. Trong trường hợp tiêm vitamin C được kết hợp liệu pháp miễn dịch, khối u ung thư hắc tố, ung thư đại trực tràng, ung thư tụy, ung thư vú đã gần như ngưng phát triển.

 Cơ chế của hiện tượng này cũng được nhóm tác giả làm sáng tỏ: vitamin C đã hỗ trợ cho các tế bào T (một loại tế bào miễn dịch có khả năng chống lại ung thư). Bên cạnh đó, vitamin C còn tăng cường hiệu quả của các khâu kiểm soát của kháng thể, giúp chúng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư triệt để hơn. Đáng chú ý, trong một số trường hợp, việc kết hợp vitamin C và liệu pháp miễn dịch đã khiến các khối u ung thư vú biến mất hoàn toàn.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, trở ngại lớn trong việc sử dụng vitamin C, để điều trị bệnh nhân ung thư là tác dụng phụ có thể phát sinh. Trên thực tế, nhóm nghiên cứu đã tiêm vào chuột thí nghiệm lượng vitamin C bằng 1 quả cam, vào mỗi ngày trong nhiều ngày liên tiếp. Nếu dựa trên tỉ lệ về khối lượng, liều vitamin C cần dùng cho con người theo phương pháp này sẽ tương đương 2000 quả cam mỗi ngày.

Nhu cầu vitamin C khuyến cáo cho người trưởng thành là 100 mg/ngày. Nếu tính cả sự hao hụt qua quá trình chế biến (tới 50%), cũng chỉ cần 200 mg/ngày. Vitamin C có rất nhiều trong các loại rau, với hàm lượng khoảng 50-100 mg/100 g rau, ví dụ rau cải ngọt: 78.4 mg; rau súp- lơ: 88,1 mg, rau dền đỏ: 89 mg; rau đay: 77 mg… và các loại quả chín nói chung, như bưởi: 95 mg; cam: 40 mg, đu đủ: 54 mg. Như vậy, nếu ăn đủ 3-4 đơn vị rau củ (tương đương 3-4 lưng bát rau), và 300g quả chín/ngày, sẽ cung cấp đủ nhu cầu vitamin C và các vitamin cùng khoáng chất khác.

Minh Nhật

Theo MedicalXpress