Thêm 2 trường hợp bị chó nhà cắn, cảnh báo nguy cơ từ “thú cưng”

(Dân trí) - Mới nhất, hai bé trai 4 tuổi, 10 tuổi bị chó nhà cắn như lời cảnh báo tới các bậc phụ huynh trước xu hướng nuôi chó dữ, trở thành "thú cưng" trong gia đình.

BS Hồ Ngọc Minh, Khoa Chấn thương Chỉnh hình và Y học Thể thao, BV Xanh Pôn, Hà Nội chia sẻ ca cấp cứu các bác sĩ vừa gặp mới đây, một cậu bé 4 tuổi được đưa vào viện trong tình trạng toàn bộ vùng da mạng sườn và đùi phải bị chó cắn lóc hết từng mảng.

Cháu bé 10 tuổi bị chó nhà cắn cấp cứu tại BV Bạch Mai. Ảnh: BS Hùng Ngô.
Cháu bé 10 tuổi bị chó nhà cắn cấp cứu tại BV Bạch Mai. Ảnh: BS Hùng Ngô.

BS Minh chia sẻ thêm, các ca bệnh chấn thương do chó cắn gặp khá phổ biến, nhưng chủ yếu là những vết cắn nhỏ. Còn với ca nặng như bé 4 tuổi này rất hiếm gặp.

Trước đó vài ngày, tại khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cũng tiếp nhận trường hợp bé trai 10 tuổi bị mất máu nghiêm trọng do vết thương chó nhà cắn, khi cậu bé này cho chó ăn.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng cánh tay gần như bị nát với các vết cắn nham nhở, sâu đến tận xương.

Cũng trong tháng qua, xảy ra trường hợp bé gái 8 tháng tuổi bị chó ngao Tây tạng nặng đến 40kg cắn gây chấn thương trầm trọng vùng thái dương, lóc da vùng chẩm, lộ cả tổ chức não và chảy máu trầm trọng. Dù được phát hiện, tách khỏi con chó khổng lồ ngay và đưa đến viện cấp cứu, nhưng khi đến viện bé đã ở trong tình trạng mạch không, huyết áp không, tái nhợt, biến chứng nặng nề của sốc mất máu.

Tại BV Nhi Trung ương, những ca chấn thương nghiêm trọng do chó nhà cắn cũng ám ảnh cả bác sĩ điều trị.

Cách đó vài năm, trường hợp bé M.Đ ((2 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) nhập viện Nhi Trung ương trong tình trạng đau đớn, kích thích, hoảng sợ do bị chó nhà cắn dập nát mặt, tổn thương các cấu trúc cơ nghiêm trọng vẫn khiến các bác sĩ ám ảnh.

Tổn thương của bệnh nhi được đánh giá là tổn thương phức tạp vùng hàm mặt, tổn thương nhiều cơ quan quan trọng vùng mặt như: mắt, mũi, miệng, tổn thương ống sternon (ống tuyến nước bọt)…và phải trải qua cuộc phẫu thuật tạo hình 3 tiếng đồng hồ mới phần nào lành được các vết thương cho chó cắn.

Cháu bị chó cắn trong tình huống rất hay gặp phải, do chó nhà mới đẻ, khi cháu chơi với chó con nên bị chó mẹ lao đến cắn.

Theo các bác sĩ, những tổn thương do chó cắn rất nghiêm trọng, chưa kể ảnh hưởng nhiều đến tâm lý trẻ sau này.
Theo các bác sĩ, những tổn thương do chó cắn rất nghiêm trọng, chưa kể ảnh hưởng nhiều đến tâm lý trẻ sau này.

Hay ca bệnh ở Phúc La, Hà Đông, Hà Nội năm 2011, khi người mẹ chạy ra ngoài mua sữa, con chó nuôi trong gia đình tuột xích đã lao vào nơi bé V.D.N (2 tháng tuổi ở Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) vờn, cắn với nhiều chấn thương rất nặng nề, sứt da, hở thịt…ở vùng lưng, đùi.

Các bác sĩ cũng giật mình khi nhìn thấy thương tích khắp cơ thể bé. Toàn bộ vùng lưng bị cào rách da, chảy máu, có những nơi mất cả mảng da, sâu xuống thịt. Đặc biệt ở phần bẹn còn nguyên vết cắn sâu chảy nhiều máu.

Rất may mắn bé được cứu sống bởi vết cắn không vào động mạch nên không gây mất máu ồ ạt. Tuy nhiên, dù tính mạng được cứu sống nhưng những tổn thương về tâm lý sau này khó tránh khỏi.

TS.BS Lê Việt Khánh, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, BV Việt Đức cảnh báo các chấn thương do vật nuôi cắn là rất nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ em. Vì thế, với trẻ nhỏ không nên tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo khi chỉ ở một mình. Nếu gia đình có nuôi chó thì cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương… Chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm văc-xin ngừa bệnh dại định kỳ.

Đặc biệt với trẻ nhỏ không được để trẻ một mình, với khoảng cách không an toàn với vật nuôi. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp chó nhà cắn trẻ nhỏ gây những tổn thương nghiêm trọng.

Khi bị chó mèo cắn chảy máu cần sơ cứu ban đầu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, dùng băng gạc sạch băng bó cầm máu trong trường hợp chảy máu rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Cảnh giác bệnh dại, giun sán...

Ngoài nguy cơ bị vật nuôi cắn, các nguy cơ lây dại, giun sán, dị ứng cũng được các bác sĩ cảnh báo.

Cách đây hơn tháng, trường hợp bé 9 tuổi Lạng Sơn lên cơn dại, tử vong do chó nhà cắn ám ảnh nhiều người. Gia đình không biết em bị cắn (hay cào) khi nào, bởi trong gia đình em đang có chó mẹ và đàn chó con. Sau khi chó mẹ biểu hiện ốm, gia đình đã bán chó mẹ đi và giữ lại đàn chó con. Trong quá trình chơi đùa, chăm sóc đàn chó con, em bé đã bị một con chó con gặm vào tay nhưng cũng không nói lại với gia đình.

“Nhìn thấy cảnh người bệnh lên cơn dại, vật vã, kích thích, khó thở, sợ nước, sợ gió, hơi thở rít lên từng hồi... nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo, biết mình sẽ chết, Bác sĩ, người nhà đều đau lòng bởi thấy chết mà không thể cứu được. Bởi khi đã bị lên cơn dại sẽ không có cách gì cứu chữa được, bệnh nhân sẽ chết vì suy hô hấp do co thắt thanh quản. Chỉ mong quay ngược lại thời gian, để họ đi tiêm phòng, tránh được cái chết vì bệnh dại",PGS. TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương chia sẻ.

Theo ông, việc nuôi chó là theo nhu cầu, sở thích của mỗi gia đình, nhưng hãy đảm bảo an toàn cho mọi người bằng cách cho chó đi tiêm phòng dại. Ngoài ra, cũng có thể bị các bệnh dị ứng, giun sán lây từ chó, vì thế hãy đảm bảo sức khỏe vật nuôi tốt nhất bằng tiêm phòng, tẩy giun, vệ sinh tắm cho vật nuôi.

Tuyệt đối không để trẻ em một mình chơi với vật nuôi, nhất là kích cỡ vật nuôi lớn để phòng những tai nạn đáng tiếc. Trong trường hợp bị chó cắn, người nhà cần sơ cứu, rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch càng sớm càng tốt. Cách tốt nhất là rửa vết thương dưới vòi nước chảy, sau đó sát trùng bằng cồn hoặc cồn i-ốt, ngoài ra có thể dùng các chất sát trùng thông thường sẵn có như rượu, cồn, xà phòng,.. đến bệnh viện để được tư vấn tiêm phòng.

Hồng Hải