Thay tim nhân tạo cứu sự sống của cô điều dưỡng trẻ

(Dân trí) - Bị suy tim giai đoạn cuối, cuộc sống tính từng ngày nhưng việc chờ đợi được nguồn tim hiến từ người cho chết não không phải dễ dàng. Đứng trước sự sống – chết của nữ điều dưỡng trẻ mới 34 tuổi, các bác sĩ quyết định tiến hành cấy ghép tim nhân tạo hỗ trợ tâm thất (HVAD) trên bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, cho phép kéo dài cuộc sống chất lượng từ 5 – 7 năm.

GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City vui mừng thông tin ca bệnh đầu tiên cấy ghép tim nhân tạo bán phần tại Bệnh viện đã thành công.

Thay tim nhân tạo cứu sự sống của cô điều dưỡng trẻ - 1

Trước khi được thay tim bán phần, cô điều dưỡng trẻ không thể đi lại do luôn khó thở thì nay cô đã mạnh khỏe, có thể quay trở lại công việc hàng ngày.

Bệnh nhân là cô điều dưỡng trẻ Vi Thị Tân, 34 tuổi đang làm việc ở Trạm Y tế Mường Lát, Thanh Hóa. Cách đây 9 năm, khi mang thai lần đầu tiên bệnh nhân mới biết suy tim trên bệnh cơ tim giãn, phải điều trị thường xuyên. Dù vậy, cô thường xuyên mệt mỏi, choáng ngất. Sau khi sinh các triệu chứng càng trở nên nặng nề, bệnh nhân luôn khó thở, đi lại khó khăn, chỉ đi vài bước chân đã nói không ra hơi. Bệnh nhân đã suy tim giai đoạn cuối, cơ tim giãn lớn, phải vào danh sách chờ ghép tim.

Cuối năm 2018, cô bị một cơ tai biến mạch máu não và được chuyển đến BV Bạch Mai cấp cứu. Được điều trị tai biến kịp thời, nhưng cái còn lại, là căn bệnh suy tim giai đoạn cuối của bệnh nhân khiến các bác sĩ đau đầu. Bởi cô đã trải qua quá trình điều trị nội khoa dài, đã vào giai đoạn cuối, nếu không có nguồn tim hiến, cuộc sống của cô sẽ như ngọn đèn trước gió, có thể tắt bất cứ lúc nào.

"Trong bối cảnh khan hiếm nguồn tạng hiến tặng, mới chỉ có 29 trường hợp trên toàn quốc được ghép tim; hàng nghìn bệnh nhân có chỉ định ghép tim chờ tới lượt, phải đối diện với nguy cơ tử vong theo thời gian, chúng tôi lo sợ cô gái trẻ không có cơ hội.

Vì bệnh nhân không thể chờ đợi thêm,  chúng tôi quyết định cấy ghép tim nhân tạo hỗ trợ tâm thất HVAD để cứu người bệnh, mang lại cuộc sống chất lượng trong 5 - 7 năm. Bệnh nhân được chuyển từ BV Bạch Mai sang BV Đa khoa Vinmec để điều trị”, GS Phú chia sẻ.

Nhờ bệnh viện đã có ý kế hoạch, sự chuẩn bị để thực hiện cuộc ghép tim từ lâu, chỉ cần có nguồn tim hiến từ người cho chết não là có thể thực hiện nên dù phải mổ cấy ghép tim nhân tạo cho bệnh nhân trong tình thế khẩn cấp, các bác sĩ đều sẵn sàng.  

Thay tim nhân tạo cứu sự sống của cô điều dưỡng trẻ - 2

 Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ekip đa chuyên khoa Bệnh viện Vinmec Times City đã phối hợp nhuần nhuyễn trong suốt thời gian hơn 5h phẫu thuật cấy ghép tim bán phần nhân tạo cho bệnh nhân Vi Thi Tân.

Sau ca phẫu thuật kéo dài 5h, bệnh nhân Vi Thị Tân đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực, quả tim nhân tạo hoạt động hiệu quả. Sau 1 tháng, bệnh nhân hồi phục tốt. Cô gái trẻ từ chỗ chỉ có thể nằm trên giường thở oxy, đi lại vài bước đã khó thở, ăn không muốn nuốt thì giờ cô đã có thể tự đi lại. “Tôi đã có cảm giác đói bụng, thèm ăn và tôi nghĩ mình có thể đạp xe, làm việc bình thường sau khi xuất viện”.

GS Phú cho biết, cấy ghép tim nhân tạo hỗ trợ tâm thất HVAD là kỹ thuật mổ tim hở để cấy ghép một thiết bị bơm máu (hay gọi là tim cơ học) vào buồng tim trái với chức năng hút máu từ buồng tim trái rồi bơm máu vào động mạch chủ. HVAD sẽ hỗ trợ cho quả tim đã bị suy ở giai đoạn cuối không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa khác, đưa máu cung cấp oxi cho cơ thể, giúp tuần hoàn máu phục hồi. Từ đó, bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có thể trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường.

Dụng cụ HVAD ngày nay cải tiến ngày càng nhỏ gọn, bệnh nhân có thể thuận tiện mang theo pin trong dây thắt lưng hoặc túi xách, tuổi thọ của máy ngày càng kéo dài, nên đã được áp dụng như phương pháp điều trị đích. Việc cấy ghép tim nhân tạo hổ trợ tâm thất HVAD giúp bệnh nhân có thể kéo dài cuộc sống chất lượng trên 5 – 7 năm.

Bệnh viện Vinmec là bệnh viện thứ  2 tại Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật cấy phép tim nhân tạo hổ trợ tâm thất. "Kỹ thuật này mở ra cơ hội sống cho rất nhiều bệnh nhân suy tim. Những bệnh nhân suy tim không thể có nguồn tim hiến để ghép có thể có thêm 5 - 7 năm cuộc sống chất lượng nhờ phương pháp này. Trên thế giới, từ năm 2010 phương pháp cấy ghép tim nhân tạo đã được coi là phương pháp điều trị vĩnh viễn cho bệnh nhân không cần phải thay tim", GS Phú thông tin.

Ông cũng cho biết thêm, bệnh viện cũng đã lập đề án về ghép tim từ người cho chết não lên Bộ Y tế, chỉ cần Bộ Y tế cho phép, có nguồn tim hiến bệnh viện sẽ sẵn sàng thực hiện ca ghép.

Theo thống kê của Hội Tim mạch Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,6 triệu người Việt Nam phát hiện bị suy tim mới. Tỷ lệ tử vong do suy tim ở Việt Nam rất cao với 50% bệnh nhân tử vong sau 5 năm phát hiện bệnh.

Trong bối cảnh vẫn còn rất ít ca ghép tim được thực hiện do thiếu nguồn tạng hiến từ người cho chết não, phương pháp cấy ghép tim nhân tạo hổ trợ tâm thất được áp dụng điều trị ở Việt Nam sẽ giúp cứu sống người bệnh suy tim giai đoạn cuối, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hồng Hải