Thanh Hóa: Ngân sách dự phòng đã "cạn", dịch tả lợn châu Phi vẫn hoành hành

(Dân trí) - Tính đến cuối tháng 9/2019, toàn tỉnh Thanh Hóa tiêu hủy hơn 9000 tấn lợn bị dịch tả châu Phi, tương đương với khoảng 220 tỷ đồng tiền hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Hiện ngân sách dự phòng đã cơ bản “cạn”, tỉnh Thanh Hóa phải tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính để hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn Thanh Hóa từ đầu tháng 3/2019. Lũy kế đến ngày 26/9, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 16.924 hộ của 1.765 thôn, 449/635 xã, phường, thị trấn của 27 huyện, thị xã, thành phố; buộc phải tiêu hủy 127.283 con lợn, với tổng trọng lượng hơn 9.028 tấn.

Thanh Hóa: Ngân sách dự phòng đã cạn, dịch tả lợn châu Phi vẫn hoành hành - 1

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại từ đầu tháng 9 đến nay tại Thanh Hóa.

Đáng chú ý, từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, trên diện rộng. Vì vậy, số lượng lợn bị buộc phải tiêu hủy lớn, trọng lượng tiêu hủy tăng cao đột biến. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 9 đến hết ngày 26/9, trên địa bàn tỉnh tiêu hủy gần 4.000 tấn, chiếm 44% tổng trọng lượng tiêu hủy từ khi xuất hiện dịch. Các huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất là Triệu Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa…

Với hơn 9.000 tấn, nhân với đơn giá 25.000 đồng/kg (theo quy định của Chính phủ), tỉnh Thanh Hóa cần khoảng 220 tỷ hỗ trợ cho người dân. Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã tạm cấp 3 đợt với số tiền khoảng 200 tỷ cho các địa phương để hỗ trợ người dân có lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.

Theo quy định của Chính phủ, Thanh Hóa là tỉnh chưa cân đối được ngân sách nên sẽ được trung ương hỗ trợ 70%, ngân sách tỉnh 30%. Thế nhưng theo thông tin từ Sở Tài chính Thanh Hóa, trước mắt ngân sách tỉnh đang cấp ra 100% hỗ trợ cho dân, vì vậy về cơ bản quỹ dự phòng ngân sách đã “cạn”. Nhằm đảm bảo hỗ trợ kịp thời và đầy đủ cho người dân, địa phương đã phải tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính.

Bà Trịnh Thị Hằng, Phó Phòng Hành chính Sự nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa cho biết:“Sau khi cấp cho các huyện, huyện chi trả trực tiếp cho dân, huyện làm thực chi từ kho bạc huyện và tổng hợp các thực chi chuyển ngân sách tỉnh để báo cáo trung ương, trung ương hỗ trợ cho tỉnh khi mà có đối chiếu thực chi. Sở Tài chính cũng chỉ cấp tạm ứng sau đó họ hỗ trợ thiệt hại cho dân có ký nhận mới làm quyết toán”.

Bên cạnh hỗ trợ người dân có lợn phải tiêu hủy, Thanh Hóa đang gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách các địa phương phòng chống dịch. Đối với kinh phí hóa chất, vật tư (ngân sách huyện 30%, ngân sách tỉnh 70%), đến nay đã có 2 huyện Triệu Sơn và Thiệu Hóa đã vượt quá khả năng chi trả phải “cầu cứu” tỉnh hỗ trợ.

Đối với chi cho con người trong phòng chống dịch, theo quy định cấp nào cấp đó chi, thế nhưng phần lớn các xã, phương, thị trấn tại Thanh Hóa ngân sách dự phòng rất hạn hẹp, vì vậy gặp khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Bình Minh