TPHCM:

“Thánh địa” của muỗi sốt xuất huyết bên tuyến đường đang thi công

(Dân trí) - Mặt đường Phạm Văn Đồng cao ngang nóc nhà nhiều hộ dân, công trình ngổn ngang, nước mưa đọng khắp nơi. Một phần của địa bàn quận Thủ Đức đang trở thành “thánh địa” của loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Khu vực Nam Bộ đang trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa, ngoài yếu tố thuận lợi về mặt thời tiết giúp loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển, những tác nhân do con người cũng tiếp tay cho “giặc muỗi” hoành hành. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ tại TPHCM kéo theo sự phát triển của hàng loạt công trình xây dựng đường sá, cầu cống, khu dân cư, khu công nghiệp…

Tuy nhiên, hệ quả từ sự bừa bộn, hoang phế tại các công trình xây dựng khiến nước mưa tù đọng khắp nơi, trở thành môi trường sống lý tưởng cho loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

 

1-bba7e

Nhà dân bị "nhấn chìm" bên lề đường Phạm Văn Đồng

Minh chứng cụ thể cho thực trạng trên phải kể đến công trình xây dựng tuyến đường Phạm Văn Đồng, đoạn chạy qua địa bàn hai phường Linh Đông và Linh Tây, quận Thủ Đức. Sau thời gian dài thi công, tuyến đường đang hoàn tất giai đoạn cuối cho những hạng mục xây dựng cầu cống. Để tránh ngập úng, mặt đường Phạm Văn Đồng tại nhiều điểm được thiết kế có độ cao chênh lệch lên tới 3 - 4m so với nền đất nguyên thổ. Tình trạng trên, khiến nhiều nhà dân bị “nhấn chìm”, nước mưa, nước sinh hoạt 2 bên đường chưa có lối thoát hợp lý nên thường xuyên bị tù đọng.

Bên cạnh đó, trong quá trình giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân đã buộc phải di dời, giải tỏa. Những thửa đất nằm ngoài hành lang của tuyến đường cũng được người dân tấp nập xây dựng nhà ở dân sinh. Một hiện trường ngổn ngang của các công trình, nhiều nơi hoang phế, vật chứa nước mưa, rác thải, cỏ mọc um tùm… trở thành môi trường sống lý tưởng của loài muỗi.

 

3-14b83

Nước tù đọng tại những công trình xây dựng dang dở

BS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, quận Thủ Đức ngao ngán cho hay: “Từ đầu năm 2015 tới nay, trên địa bàn quận đã có tới 250 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2014). Những năm trước khi vào mùa cao điểm, toàn quận chỉ có 2-3 điểm nóng của bệnh. Tuy nhiên, từ khi tuyến đường Phạm Văn Đồng thi công, qua 2 phường Linh Đông và Linh Tây thì sốt xuất huyết đã tăng nhanh, tạo thêm nhiều ổ dịch tại đây.

Cũng theo BS Anh Tuấn, sau khi xác định những điểm nóng của bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận, Trung tâm Y tế Dự phòng đã rốt ráo triển khai các giải pháp phòng chống. “Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền về những nguy hiểm do muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết gây ra, trên cơ sở đó vận động người tích cực triển khai các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, phòng chống muỗi sốt xuất huyết.”

 

4-df78c

Nhiều khu vực hoang tàn, vật dụng phế thải ngổn ngang

Trên thực tế, Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức đã triển khai nhiều đợt phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm nóng, đặc biệt là khu vực phường Linh Đông và phường Linh Tây. Tuy nhiên, nỗ lực trên vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi, sau phun hóa chất, muỗi chỉ giảm được vài tuần sau đó xuất hiện trở lại.

Không chỉ riêng địa bàn quận Thủ Đức, trên toàn thành phố, bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành tại nhiều quận huyện khác như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, quận 8, quận 12… Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, tính đến hết tuần 27 năm 2015, toàn thành phố có gần 5.200 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, bệnh đã tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước.

 

5-c2f2f

Cỏ dại mọc um tùm khắp nơi trở thành môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sống

Dự báo trong tháng 8, bệnh sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tăng khi thời tiết khi đi sâu vào mùa mưa. Để ngăn chặn sự bùng phát của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ngành y tế kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi cá nhân, gia đình nên dành ít nhất 10 phút trong tuần để tìm và diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; thường xuyên kiểm tra các điểm nguy cơ có muỗi sinh sống, đậy kín các vật dụng chứa nước, tiến hành thay nước, súc rửa lu khạp hàng tuần.

Thu gom, tiêu hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà có thể đọng nước như: chai, lọ, mảnh lu vỡ, hộp sữa đã sử dụng, vỏ dừa, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá,... dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc hóa chất diệt lăng quăng vào bát hương, bình cắm hoa ở mồ mả. Để ngăn ngừa bị muỗi đốt cần thực hiện triệt để việc ngủ màn (mùng) ngay cả ban ngày, dùng bình xịt chống muỗi, hương xua muỗi, đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời khi có biểu hiện mắc bệnh. Những gia đình sinh sống trong khu vực được phun hóa chất diệt muỗi chống dịch sốt xuất huyết, cần hợp tác tích cực, tạo điều kiện để nhân viên phun hóa chất hoàn thành nhiệm vụ, gia chủ nên đậy kín đồ ăn, thức uống.

Vân Sơn

Email: vansondantri@gmail.com

 

suckhoe-ac5c2