Thận nhiễm trùng vì ống thông nằm trong ổ bụng 5 năm

(Dân trí) - Sau ca tán sỏi nội soi 5 năm trước, bệnh nhân không tái khám để rút ống thông ra. Hậu quả là sau nhiều năm bị bỏ quên, chiếc ống thông JJ bám sỏi và gây nhiễm trùng thận khiến nữ bệnh phải đi cấp cứu.

Ngày 30/6, BS Phan Văn Hoàng, khoa Cấp cứu BV Bình Dân, cho biết khoa đang điều trị trường hợp bệnh nhân nữ T.T.H (46 tuổi, quê ở Kiên Giang) bị thận trái nhiễm trùng, ứ nước do ống thông JJ bỏ quên trong ổ bụng.

Một tháng trước, bà H. đã đến cấp cứu tại BV Bình Dân. Qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện trong ổ bụng bà H. có một chiếc ống thông JJ một đầu trong thận và một đầu trong bàng quang bị nhiễm trùng và bám sỏi rất nhiều. Ống thông JJ một loại ống thông bằng nhựa dẻo mềm được đặt vào trong niệu quản khi phẫu thuật hay khi nội soi, thông thường sau khi tán sỏi bệnh nhân phải tái khám để bác sĩ rút ống ra.

Thận nhiễm trùng vì ống thông nằm trong ổ bụng 5 năm
Cả 2 đầu chiếc ống thông JJ trong bụng nữ bệnh nhân đều bị bám sỏi rất nhiều (ảnh do BS cung cấp)
 
Bệnh nhân cho biết cách đây 5 năm bà có tán sỏi nội soi tại bệnh viện tỉnh nhưng sau đó không tái khám (bà H. không nhớ khi đó bác sĩ có dặn tái khám hay không). Mãi cho đến gần đây, bà đau lưng và sốt ớn lạnh mới đi khám bệnh và phát hiện chiếc ống thông JJ bị bỏ quên trong bụng.
 
Do cả hai đầu ống thông đều bám sỏi rất nhiều, không thể nội soi rút ra được nên BV Bình Dân phải phẫu thuật đến 2 lần: tháng trước mổ ở bàng quang và tháng này mổ ở thận để rút chiếc ống ra.

Nhân sự cố này, BS Phan Văn Hoàng nhận thấy: “Trường hợp bệnh nhân có ống thông bị bỏ quên phải đưa đến BV Bình Dân lấy ra khá phổ biến. Bệnh nhân ở ta thường ít khi xem lại giấy xuất viện. Mặc dù bác sĩ có ghi phải tái khám để rút ống thông trong giấy xuất viện nhưng họ thường không để ý.

Hoặc, trước khi xuất viện bác sĩ có dặn nhưng bệnh nhân quên mất. Cũng có trường hợp bác sĩ trong giao tiếp dùng quá nhiều từ chuyên môn, bệnh nhân không hiểu cũng không dám hỏi lại. Và cũng có trường hợp bác sĩ ở vùng miền này bệnh nhân người miền kia, cùng nói tiếng Việt nhưng không ai hiểu ai”.

Vì vậy, việc trao đổi thông tin rõ ràng giữa bác sĩ và bệnh nhân là hết sức cần thiết. Nhiều khi bác sĩ phải hỏi cặn kẽ xem bệnh nhân đã tiếp thu được chưa. Bên cạnh đó, bệnh nhân và người nhà cũng nên chủ động hỏi lại nếu chưa nắm được thông tin, hoặc nhờ các nhân viên y tế túc trực tại bệnh viện hướng dẫn thêm cho rõ.

Hồng Nhung