"Thận khỏe cho mọi người”

(Dân trí) - Đó là chủ đề của Ngày Thận Thế giới năm nay 2019, với mong muốn xã hội chung tay giảm bớt những gánh nặng từ bệnh thận.

Ước tính 850 triệu người trên toàn thế giới mắc các bệnh về thận do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay nguyên nhân đứng hàng đầu gây bệnh thận mạn tính là đái tháo đường, tăng huyết áp, bên cạnh các yếu tố nguy cơ khác đến từ môi trường, thực phẩm và dược phẩm.

Đáng lưu tâm, Việt Nam đang nằm trong top 10 nước có tỷ lệ phát triển đái tháo đường nhanh nhất trong các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Bệnh thận diễn tiến âm thầm, như “một kẻ giết người thầm lặng” dẫn đến suy thận mạn tính, làm mất chức năng thận và phải dùng các biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể kiểm soát được và bệnh nhân sẽ duy trì được cuộc sống có chất lượng tốt nếu phát hiện sớm, được điều trị kịp thời và đúng cách, làm chậm diễn tiến của bệnh, kéo dài thời gian không phải lọc máu hay ghép thận.

Thận khỏe cho mọi người” - 1
Hành động sớm để giữ “Thận khỏe cho mọi người”

Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội Thận - Lọc máu Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Thận học - Lọc máu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh thận mạn tính có tỷ lệ mắc bệnh cao và không thể chữa khỏi, bệnh nhân cần được chăm sóc suốt đời. Do nguồn thận ghép có hạn nên đa số bệnh nhân chỉ kéo dài sự sống nhờ lọc máu. Bệnh nhân phải lọc máu, liên tục suốt đời với chi phí ước tính cho mỗi lần chạy thận nhân tạo tối thiểu khoảng 1.500.000 đồng.

Cần nhắc lại, hai nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh thận là đái tháo đường và tăng huyết áp. Biến chứng thận của hai bệnh này cũng thầm lặng, không có các biểu hiện lâm sàng đặc trưng, mà chỉ phát hiện được nhờ xét nghiệm thường xuyên máu, nước tiểu.

Đặc biệt trong bệnh đái tháo đường, thận bị tổn thương rất sớm, khi phát hiện đái tháo đường thì thận đã có thể bị tổn thương nhiều năm trước đó. Do vậy, ở thời điểm chẩn đoán bệnh nhân bị đái tháo đường, thầy thuốc phải đánh giá thêm thận đã bị tổn thương chưa; một trong các chỉ dấu nói lên điều đó thực hiện được ở Việt Nam là tìm sự hiện diện của đạm hay albumin trong nước tiểu và việc đo nồng độ chất creatinine trong máu hoặc ước tính chức năng thận qua đo độ lọc cầu thận cũng cần thực hiện cùng lúc.

Một khi đã phát hiện tổn thương thận do đái tháo đường dù ở giai đoạn sớm hoặc chưa có tổn thương thận thì điều trị sớm, tích cực bệnh đái tháo đường cũng như các bệnh đồng mắc thường đi song hành với đái tháo đường như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… giữ vai trò cốt yếu trong việc phòng ngừa hoặc làm chậm diễn tiến của bệnh thận, để bệnh không nặng thêm và đi đến giai đoạn cuối phải lọc máu hay ghép thận. Bệnh nhân đái tháo đường phải lọc máu hay ghép thận cũng sẽ có tiên lượng xấu hơn các bệnh nhân suy thận do nguyên nhân khác với nguy cơ nhiều biến chứng hơn, tử vong sớm hơn.

Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi, để giữ gìn thận khỏe cần chú ý “Tám nguyên tắc vàng”:

- Hoạt động thể lực phù hợp, tối thiểu 45 phút/ngày, 05 ngày/tuần.

- Kiểm soát đường huyết thật tốt, thường xuyên.

- Theo dõi huyết áp và điều trị tích cực nếu bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.

- Chế độ ăn phù hợp, giảm muối, nhiều rau củ quả và kiểm soát cân nặng.

- Uống lượng nước thích hợp.

- Không hút thuốc lá, không dùng bừa bãi dược phẩm đông, tây y.

- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ.

- Kiểm tra chức năng thận định kỳ, cần theo dõi chức năng thận thường xuyên hơn nếu có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, sỏi niệu, nhiễm trùng, dùng thuốc lâu dài (nhất là các loại thuốc giảm đau, thuốc nam, thuốc bắc…), sống trong môi trường ô nhiễm, dùng các thực phẩm không lành mạnh, hút thuốc, bị béo phì, thừa cân…

P.V