Tết Nguyên đán, xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm hơn 8 tỷ đồng

(Dân trí) - Ngày 25/1, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong đợt ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm trước Tết Nguyên đán, đã phát hiện hơn 5.600 cơ sở vi phạm về ATTP, xử phạt số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Theo báo cáo của 06 Đoàn liên ngành Trung ương tại 12 tỉnh, thành phố và 42/63 địa phương, trong đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Tết Nguyên Đán Đinh Dậu năm 2017, các Đoàn liên ngành Trung ương và địa phương đã tập trung thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm như bánh mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát, nước uống đóng chai, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố...

Lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
Lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

Đã có hơn 40 nghìn cơ sở được thanh tra, trong đó có hơn 5600 cơ sở có vi phạm. Đoàn kiểm tra đã cảnh báo 679 cơ sở, phạt tiền 2.311 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 8 tỷ đồng. Đình chỉ hoạt động của 22 cơ sở, đình chỉ lưu hành 41 sản phẩm. Có 400 cơ sở có sản phẩm bị tiêu huỷ, với 414 sản phẩm bị tiêu huỷ (là các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...).

Đặc biệt tại Hà Nội đã có sự vào cuộc rất quyết liệt. Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 426 vụ vi phạm về đo lường chất lượng và an toàn thực phẩm, phạt hành chính trên 1,899 tỷ đồng.

Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 65 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở với số tiền phạt 89.900.000 đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Thú y cũng Thanh tra gần 540 cơ sở, số cơ sở vi phạm 58 cơ sở, các cơ quan chuyên môn của Sở phạt 04 cơ sở với số tiền phạt 17.625.000 đồng, tham mưu quận, huyện phạt 37 cơ sở với số tiền phạt 133.250.000 đồng, số sản phẩm bị tiêu hủy hơn 20kg sản phẩm động vật và 04 kg hạt tiêu không rõ nguồn gốc.

Theo ông Phong, tình trạng vi phạm về ATTP đã được cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm về vệ sinh thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng...vẫn diễn biến phức tạp, nếu không được kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng và các địa phương thì sẽ có nguy cơ đưa vào tiêu thụ tại các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa.

Để đảm bảo ATTP dịp Tết, Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2017, duy trì thường trực theo dõi tình hình ngộ độc thực phẩm và đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm về an toàn thực phẩm trong và sau Tết.

Hồng Hải