Tế bào ung thư đã “qua mặt” hệ miễn dịch như thế nào?

(Dân trí) - Vì sao hệ miễn dịch có thể nhanh chóng phát hiện và tiêu diệt các loại vi khuẩn, mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài, nhưng lại để tế bào ung thư thoải mái sinh sôi ngay trong cơ thể?

Tế bào T đóng một vai trò quan trọng với hệ miễn dịch của chúng ta, đặc biệt là trong cuộc chiến với các tế bào bị biến đổi tiềm tàng nguy cơ phát triển thành ung thư. Theo đó, các thực bào và tế bào B (cũng là các loại tế bào thuộc hệ miễn dịch) sẽ nhận diện sự thay đổi trong các tế bào cơ thể, tiếp đó kích hoạt tế bào T, để nó thực hiện một chuỗi các tác vụ hướng đến mục tiêu cuối cùng: Tiêu diệt tế bào bất thường được chỉ điểm. Cơ chế miễn dịch này của cơ thể hoạt động rất tốt trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, nó lại đành bó tay khi các tế bào ung thư biến đổi và phát triển khả năng ngụy trang cho phép chúng gần như “tàng hình” trước hệ thống miễn dịch nhiều lớp của chúng ta.

Tế bào ung thư đã “qua mặt” hệ miễn dịch như thế nào? - 1

Tế bào T (màu xanh) tiêu diệt mầm bệnh bằng chất độc tế bào.

Các nhà nghiên cứu tại đại học Freiburg và Hannover mới đây đã làm sáng tỏ cơ chế ngụy trang này của tế bào ung thư, bằng công trình hợp tác nghiên cứu của mình. Theo đó, một loại protein được gọi là “Tránh miễn dịch” chính là nhân tố chủ chốt trong quá trình này.

Theo lời giải thích của nhóm tác giả, trên bề mặt của tế bào T có chứa các protein được gọi là thụ thể kiểm soát miễn dịch. Các thụ thể này đóng vai trò tiếp nhận thông tin phục vụ cho việc kích hoạt hoặc không kích hoạt đáp ứng miễn dịch. Sử dụng phương pháp nuôi cấy tế bào và thực nghiệm tương tác sinh học, các nhà khoa học đến từ 2 trường đại học này đã phát hiện ra rằng, một loại protein tín hiệu có tên là SHP2 ở tế bào T đã liên kết với thụ thể PD1 (thụ thể liên quan đến khả năng kích hoạt cơ chế tự hủy ở tế bào bất bình thường) ở 2 vị trí đặc biệt, sau khi nó bị tác động bởi protein tín hiệu từ các tế bào ung thư. Liên kết kép của SHP2 và PD1 đã tắt hoàn toàn cơ chế đáp ứng của các tế bào miễn dịch, từ đó giúp tế bào ung thư thoải mái nhân đôi mà không gặp phải trở ngại.

Tế bào ung thư đã “qua mặt” hệ miễn dịch như thế nào? - 2

Đại diện nhóm tác giả, GS.TS Maja Banks-Köhn khẳng định rằng, phát hiện mới này sẽ mở ra khả năng phát triển một loại thuốc có thể can thiệp vào cơ chế ngụy trang của tế bào ung thư, cũng như hoàn thiện phương pháp điều trị căn bệnh nan y này theo một hướng mới.

Minh Nhật

Theo ME