Tập thể thao: Cố quá thành quá cố

Theo tư vấn, ông Nguyễn Thanh Sơn (Ba Đình), vốn huyết áp cao, đã chọn dụng cụ tập “giảm bụng bia cực nhanh”. Sau động tác đầu tiên, dốc đầu theo sàn nghiêng rồi ngồi dậy, ông lập tức lên cơn tiền đình, nằm vật.

Ông phải nằm mấy ngày. Hết hồn, phải rất lâu sau ông mới dám nghĩ tới chuyện tập thể dục lại, mà cũng chỉ dám tập đi bộ.

 

Cắt hẳn một phần lương tháng, ông Ngô Văn Hòa (Nhân Chính) mua một chiếc máy tập. Từ nay ông có thể yên tâm giảm cân ngay trong nhà. Nhưng ngay sau khi chạy trên máy 10 phút, ông lên cơn tức ngực, khó thở. Vội vàng ngồi thụp xuống, đầu óc ông quay cuồng hơn.

 

Người nhà ông gọi bác sĩ và được khuyên đi kiểm tra toàn bộ sức khoẻ vì ông có dấu hiệu bất ổn của hệ tuần hoàn. Sau một loạt xét nghiệm ở Bệnh viện Bạch Mai, ông nhận kết quả huyết áp cao, xơ vữa động mạch, tim có vấn đề. Chiếc máy mới chạy 10 phút được sang tên cho người khác.

 

Không như ông Hòa, ông Sơn, chỉ tập một lần đã "tởn", chị Ngọc Hà (Hoàn Kiếm) lại rất kiên cường. Chị tới trung tâm tập thể dục, tập một thời gian, vã mồ hôi, lại áp lưng xuống sàn lạnh, chị bị viêm phổi phải nghỉ làm. Hồi lại người, chị tiếp tục đi tập. Lần này, do sức đã xuống, chị luôn thấy chóng mặt khi tập nhảy bục và lại nghỉ tiếp. Một thời gian, lấy lại quyết tâm, chị đi thêm lần nữa. Cố hết sức rồi đứng thở trong ánh mắt ái ngại của bạn tập, chị lại bỏ. Chị than thở: "Tập mãi, tập mãi mà chẳng được gì

 

Theo ông Trần Hữu Tước, Viện phó Viện Tim mạch, đã có những bệnh nhân tử vong vì tập không đúng cách.

 

Thạc sỹ Nguyễn Văn Phú, Chủ nhiệm khoa Y học thể thao, Bệnh viện Y học thể thao nhận định về những trường hợp trên: "Đó là những trường hợp tập luyện không đúng cách. Tập không đúng sức, không đúng cách sẽ dẫn đến hậu họa. Một là không hiệu quả. Hai là chấn thương, thậm chí có thể không hồi phục".

 

Ông Phú cũng cho biết: "Trong bệnh viện của ông có cả trường hợp tử vong do nguyên nhân tập luyện quá sức hoặc chấn thương đột ngột. Những người tập không đúng có thể dẫn tới nhiều hậu quả khác nhau. Người tập tennis không đúng có thể bị bệnh khuỷu tay tennis, nghĩa là có u ở đó. Người tập cầu lông không đúng có thể bị trật khớp cổ tay… Cơ thể đang bị tim mạch mà lại tham gia chạy với tốc độ cao và thời gian kéo dài trên băng chạy khiến người tập có thể gục chết".

 

Ông Phú khuyến cáo: "Những người theo tập ở các trung tâm thường có một sai lầm phổ biến là ngay lập tức muốn tập được như người tập bên cạnh mình. Điều đó hoàn toàn phi khoa học. Một người đã tập luyện 3 tháng sẽ có khả năng luyện tập tốt hơn người chưa bao giờ luyện tập. Việc cố gắng tập kiểu này sẽ khiến cơ thể bị quá tải, và khi đó người tập sẽ không thể tiếp tục bài tập ngày hôm sau".

 

Rõ ràng, việc luyện tập không chỉ đòi hỏi quyết tâm mà còn yêu cầu người tập những hiểu biết nhất định để không tự gây họa cho bản thân theo kiểu: cố quá - quá cố.

 

Các loại tai nạn thể thao có thể gặp:

- Tập tennis không đúng có thể bị mọc u ở khuỷu tay.

- Tập cầu lông không đúng có thể bị trật khớp cổ tay.

- Cơ thể đang bị tim mạch mà chạy với tốc độ cao và thời gian kéo dài trên băng chạy khiến người tập có thể gục chết.

- Khi tập quá sức rồi dừng đột ngột thì dễ ngất, còn gọi là sốc trọng lực.

- Tập các môn bóng, thể dục dụng cụ như xà, tạ không đúng cách dễ gây giãn dây chằng.

- Các môn bóng đối kháng như bóng chuyền, bóng đá do hay thay đổi tư thế và cường độ vận động đột ngột dễ gây ra bong gân ở khớp vai, háng.

 

Theo ThS Vũ Bá Thành, Chủ nhiệm Bộ môn Y học thể thao, Đại học Y Hà Nội

Vietnam+