Tập thể dục theo cách này lá gan sẽ luôn khỏe mạnh

Minh Nhật

(Dân trí) - Hãy kiên trì luyện tập thể thao mỗi ngày 30 phút, duy trì 5 buổi/tuần sẽ có tác dụng rất tốt trong việc khống chế các bệnh về gan, đặc biệt là bệnh gan nhiễm mỡ.

Một trong những chức năng của gan là tích trữ và chuyển hóa các chất béo. Gan nhiễm mỡ là thuật ngữ chỉ tình trạng tỷ lệ tích lũy của chất béo trong gan lớn hơn 5% trọng lượng của gan.

Có 2 loại gan nhiễm mỡ: gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu.

Việc nạp quá nhiều calo, ăn nhiều chất béo, đường và carbohydrate khiến các tế bào nạp đầy năng lượng và không còn phản ứng với insulin, dẫn đến sự tích tụ mỡ. Lối sống ít vận động cũng khiến các tế bào ít nhạy cảm với insulin. Khi gan, cơ và các tế bào mỡ kháng insulin, đường sẽ tiếp tục tích tụ trong máu và chất béo sẽ tiếp tục tụ lại trong gan. Vòng luẩn quẩn của sự đề kháng insulin và tích tụ chất béo này là do ăn quá nhiều và tập thể dục quá ít.

Người bị bệnh gan nói chung hay gan nhiễm mỡ nói riêng nên chọn cả thể dục nhịp điệu (vận động nhẹ nhàng) và thể dục thể lực (vận động mạnh) bởi mỗi loại hình vận động có vai trò và tác dụng khác nhau đối với bệnh gan. Cả hai loại hình thể dục này đều cải thiện chức năng gan theo nhiều cách.

Thể dục nhịp điệu (Tập aerobic)

Tập thể dục theo cách này lá gan sẽ luôn khỏe mạnh - 1

Tập aerobic tập trung vào hệ thống tim mạch của bạn và có ảnh hưởng đến sự oxy hóa máu. Theo Trung tâm y tế MayoClinic, các bài thể dục nhịp điệu liên quan đến các hoạt động lặp đi lặp lại, vận động cơ lớn làm tăng nhịp tim và thay đổi mô hình thở, tăng lượng oxy mà bạn nhận vào và đẩy nhanh việc cung cấp oxy tới các cơ quan quan trọng của cơ thể, ví dụ như gan.

Không những thế, thể dục nhịp điệu còn không đòi hỏi phải vận động quá mạnh nên không tốn nhiều sức lực. Điều này có lợi ích rất đáng kể trong việc giúp gan thực hiện chức năng thải lọc tốt hơn, từ đó làm giảm sự mệt mỏi hàng ngày cho người bệnh.

Thể dục thể lực

Tập thể dục theo cách này lá gan sẽ luôn khỏe mạnh - 2

Đối với các bài tập thể lực liên quan đến vận động mạnh như chạy marathon, chống đẩy, đẩy tạ... người tập sẽ tốn nhiều công sức và phải vận dụng toàn bộ cơ thể nhiều hơn. Nhưng bù lại nó nâng cao sức mạnh tổng thể ở cả xương và cơ. Duy trì độ bền của xương cũng như sức mạnh cơ bắp là đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ, vì bệnh gan thường làm cho xương trở nên nhạy cảm, dễ dẫn đến loãng xương. Ngoài ra, tập luyện thể lực làm giảm mỡ cơ thể, giảm nguy cơ dẫn đến gan nhiễm mỡ và gây ra tình trạng bệnh lý gọi là viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.

Tập thể dục còn tăng khối lượng cơ thể và có ảnh hưởng đến sự trao đổi chất, từ đó có thể tích lũy được nguồn năng lượng đáng kể và dễ dàng đối phó trong trường hợp bệnh gan phát triển.

Lưu ý: Nếu bạn đang bị bệnh gan, hãy lắng nghe cơ thể khi tham gia bất kì loại hình vận động nào. Mệt mỏi là một triệu chứng phổ biến của bệnh gan, vậy nên, hãy dựa vào sức khỏe của mình để chọn bài tập phù hợp. Nếu không muốn tham gia các bài tập nặng nhọc, bạn có thể duy trì thói quen vận động với các hình thức đơn giản hơn như đi bộ, đi cầu thang bộ, chạy bộ...