Tăng vọt số người mắc bệnh tiểu đường

(Dân trí) - Điều tra mới nhất do Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện cho thấy, tỷ lệ người mắc tiểu đường tại Việt Nam tăng vọt. Sau 10 năm, tỷ lệ mắc căn bệnh “nhà giàu” này đã tăng gấp đôi, gần 6%.

Sáng 2/4, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã công bố kết quả nghiên cứu bệnh viện thực hiện trong năm 2012. Theo đó, trong hơn 11.000 người tuổi 30-69 tại 6 vùng sinh thái gồm: Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đã tham gia nghiên cứu, số bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường chiếm khoảng 6%.
 
Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, kết quả nghiên cứu này cho thấy, khoảng gần 6% dân số Việt Nam bị tiểu đường, trong đó tỷ lệ mắc cao nhất ở Tây Nam Bộ (hơn 7%). Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose cũng gia tăng mạnh mẽ từ 7,7% năm 2002 lên gần 13% năm 2012.
 
Eo càng to, nguy cơ mắc đái thái đường càng tăng.

Eo càng to, nguy cơ mắc đái thái đường càng tăng.

Đáng nói, số người mắc tiểu đường có xu hướng tăng nhanh nhưng số người phát hiện bệnh lại rất thấp. Theo kết quả nghiên cứu này, tỷ lệ người bệnh tiểu đường trong cộng đồng không được phát hiện ở nước ta là gần 64%. Kiến thức chung về bệnh của người dân cũng rất thiếu. Gần 76% số người được hỏi có kiến thức rất thấp về chẩn đoán và biến chứng của bệnh, chỉ có 0,5% có kiến thức tốt.

TS Quang đánh giá, tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường đã ở mức báo động. Bởi năm 2002, tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường chỉ chiếm khoảng 2,7% dân số. Đến nay, sau đúng 10 năm, tỷ lệ bệnh nhân mắc tiểu đường đã tăng gấp đôi. Trong khi đó, theo xu hướng chung, tỉ lệ này cần phải mất 15 năm mới tăng lên gấp đôi.

Cũng theo nghiên cứu, những người trên 45 tuổi có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 4 lần những người dưới 45. Những người bị huyết áp cao cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 3 lần những người khác. Người có vòng eo lớn nguy cơ mắc cao hơn 2,6 lần. 

Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết, tiểu đường có thể gây những biến chứng về mắt , tổn thương thận, tổn thương thần kinh, bệnh mạch máu ngoại vi, loét chân dẫn đến cắt cụt, nhiễm trùng, bệnh tim và đột quỵ ở các nước phát triển. Trong đó, bệnh võng mạc do tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù loà.
 
Tiểu đường là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn tới suy thận mãn. Bệnh tim và bệnh đột quỵ là nguyên nhân của khoảng 75% trường hợp tử vong của bệnh nhân tiểu đường. Nguy cơ tử vong do bệnh tim, đột quỵ và bệnh thận nặng tăng 3 lần khi bị bệnh tiểu đường.
 
Theo ước tính, tuổi thọ trung bình của bệnh nhân tiểu đường giảm 5-10 năm so với người không bị tiểu đường.

“Nguyên nhân của tình trạng gia tăng nhanh số người mắc tiểu đường là do sự thay đổi về lối sống dẫn đến thay đổi về dinh dưỡng, thu nhập, năng lượng dư thừa và cơ cấu bữa ăn thay đổi với tỷ lệ giàu đạm, chất béo trong khi rau xanh ít đi, vận động thể lực ít”, TS Quang nói.

Vì thế, Chiến lược quốc gia phòng chống đái tháo đường giai đoạn 2013-2020 đặt ra mục tiêu tăng cường sàng lọc tại cộng đồng để phát hiện người tiền đái tháo đường, bị đái tháo đường. Đồng thời nâng cao chất lượng can thiệp, đảm bảo 80% người bệnh sau tư vấn thay đổi lối sống. 

Tú Anh