Tăng thuốc nội ở bệnh viện tuyến tỉnh lên 50%

(Dân trí) - Hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại bệnh viện (BV) tuyến tỉnh đã đạt 35,4%, tuyến trung ương đạt khoảng 10%. Mục tiêu giai đoạn 2 của Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đến năm 2020 tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 30% tại BV tuyến Trung ương, 50% ở BV tuyến tỉnh và 75% ở BV tuyến huyện.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, thuốc nội đáp ứng được 50% nhu cầu khám chữa bệnh. Tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện tuyến tỉnh đạt 35,4%, tăng 1,5% so với thời điểm trước khi triển khai Đề án người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam.

Tỉ trọng sử dụng thuốc nội trong các bệnh viện đang tăng dần lên, nhưng chủ yếu vẫn là các nhóm thuốc đơn giản.
Tỉ trọng sử dụng thuốc nội trong các bệnh viện đang tăng dần lên, nhưng chủ yếu vẫn là các nhóm thuốc đơn giản.

Đặc biệt tại tuyến huyện, tỉ lệ sử dụng thuốc nội tăng gần 8% so với trước, lên 69,4%. Tuy nhiên tại tuyến Trung ương, thuốc nội chỉ đạt 10%, thậm chí còn có xu hướng giảm.

Lý giải thực trạng này, các bệnh viện tuyến Trung ương cho rằng thuốc nội sử dụng ở đây ít vì đặc thù là BV tuyến cuối tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng, phải dùng thuốc đặc trị.

Theo TS Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, tại viện tỷ lệ sử dụng thuốc nội lên đến 45,2%.

“Để đạt được tỉ lệ sử dụng thuốc nội này, bệnh viện đã phải rất quyết liệt, nhất là tâm lý người bệnh, thậm chí một bộ phận thầy thuốc vẫn băn khoăn trong sử dụng thuốc nội”, TS Tiệp chia sẻ.

Theo đó, BV đã phải xây dựng nhiều phác đồ điều trị; Tổ dược lâm sàng thường xuyên tham gia hội chẩn cùng các bác sĩ điều trị; Kiểm tra thường xuyên kê đơn của bác sĩ…Với mục tiêu ưu tiên thuốc nội, chỉ kê đơn thuốc ngoại khi người bệnh thật sự cần, nhất là thuốc kháng sinh.

Đánh giá về Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định Đề án đã mang lại nhiều thành quả ban đầu. Theo đó từng bước thay đổi dần quan niệm của người dân, cán bộ y tế trong sử dụng thuốc nội. Tỉ lệ sử dụng thuốc nội tuyến huyệt tăng từ 61% lên 69%; tuyến tỉnh tăng từ 31% lên 35%; tuyến trung ương tăng từ 11% lên 13%.

Tại tuyến Trung ương, tỷ lệ sử dụng thuốc nội còn khá thấp như: Bệnh viện Phụ sản Trung ương (3,14%); Bệnh viện Bạch Mai (3,97%); Bệnh viện Việt Đức (5,87%)… vẫn chưa như mong đợi, bởi đây là những bệnh viện tuyến cuối, điều trị chuyên khoa.

Ông Cường cho rằng trong giai đoạn 2 Đề án này sẽ có nhiều khởi sắc. Bởi bên cạnh việc tiếp tục triển khai những văn bản trong đó ưu tiên sử dụng thuốc trong nước và có những truyền thông đến bác sĩ, thầy thuốc để bác sĩ thầy thuốc tăng cường kê đơn, bản thân các Doanh nghiệp cũng phải “hữu xạ tự nhiên hương”, tăng cường cho đầu tư, tăng cường cho cải cách mẫu mã và tăng cường cả chất lượng để cho các bác sĩ, thầy thuốc yên tâm sử dụng.

“Bộ Y tế cũng rất là ủng hộ và kêu gọi các cộng đồng các bác sĩ, các hội đồng chuyên môn trong ngành y tế luôn ý thức, ưu tiên thuốc nội trong quá trình đấu thầu, trong quá trình sử dụng lựa chọn thuốc để điều trị cho bệnh nhân”, ông Cường khẳng định.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chú trọng chỉ đạo các cơ sở y tế động viên đội ngũ bác sĩ, nêu cao y đức, thực hiện nghiêm túc các quy định về kê đơn, sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, thông qua ký cam kết bằng những chương trình vận động và số liệu cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp dược trong nước nâng cao chất lượng thuốc nội, tăng cường marketing quảng bá thương hiệu.

Tú Anh