Tăng nguy cơ trầm cảm khi mẹ ngủ cùng con nhỏ trong hơn 6 tháng

(Dân trí) - Theo nghiên cứu mới đây, những người mẹ ngủ cùng giường với con nhỏ trong thời gian hơn 6 tháng dễ bị trầm cảm gấp gần 2 lần.

Những phụ nữ ngủ cùng giường với con nhỏ trong thời gian dài hơn dễ lo lắng về giấc ngủ của con và nghĩ rằng mình đang bị chỉ trích hơn - dẫn đến căng thẳng trong các mối quan hệ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Penn State cho biết.

Trung bình, những bà mẹ này cho biết đang bị chán nản hơn 76% so với những người đã chuyển con sang ngủ phòng riêng.

Mặc dù các tác giả nghiên cứu không đứng về phe nào trong cuộc tranh luận có nên ngủ cùng con hay không, song họ chỉ ra rằng việc ngủ chung giường với trẻ có thể không chỉ gây stress, mà còn khiến cha mẹ khó ngủ ngon hơn, khiến họ dễ bị trầm cảm hơn.

Mẹ mới sinh ngủ chung giường với con trong hơn 6 tháng có nguy cơ trầm cảm gấp hai lần
Mẹ mới sinh ngủ chung giường với con trong hơn 6 tháng có nguy cơ trầm cảm gấp hai lần

“Buồn bã sau sinh” rất hy gặp ở những người mẹ mới sinh, do những thay đổi hoóc-môn kết hợp với sự kiệt sức gây ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần.

Nhưng trầm cảm sau sinh có thể là một tình trạng nghiêm trọng hơn nhiều và kéo dài.

Trong khi khoảng 80% phụ nữ bị “buồn bã sau sinh”, thì chỉ có 15% số ca sinh đẻ đi kèm với chứng trầm cảm sau sinh (PPD) của mẹ, thường xảy ra trong khoảng thời gian từ một tuần đến một tháng sau sinh, và có thể kéo dài nhiều tháng.

Stress có thể khiến người mẹ có nguy cơ cao phát triển các triệu chứng - như tuyệt vọng, khóc không duyên cớ, và thậm chí những ý tưởng bạo lực - vì vậy, những nỗ lực để giảm thiểu những lo lắng và cảm giác mất an toàn có thể giúp ngăn ngừa trầm cảm sau sinh.

Tiến sĩ Douglas Teti, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Penn State, cho biết: "Chắc chắn chúng ta đã thấy ​​những người ngủ cùng con trong thời gian dài - những bà mẹ vẫn ngủ cùng con sau 6 tháng - là những người dường như bị chỉ trích nhiều nhất.

"Họ cũng báo cáo mức độ lo lắng về giấc ngủ của con nhiều hơn, một điều có ý nghĩa khi bạn bị phê phán về việc mà mọi người đều nói là bạn không nên làm, làm tăng sự nghi ngờ bản thân. Điều đó không tốt cho bất cứ ai”.

Ngủ chung với con là một chủ đề nhạy cảm, với nhiều bậc cha mẹ cảm thấy đó là việc tự nhiên, hoặc cách duy nhất để trẻ ngủ là phải nằm cùng giường với chúng.

Theo CDC, hơn 60% số người Mỹ cho biết có nằm chung giường với con ở một thời điểm nào đó.

Mặc dù Hội Nhi khoa Mỹ không nói rằng ngủ cùng giường là an toàn, vào năm 2016, Hội đã sửa đổi các hướng dẫn của nó để thừa nhận rằng, thực tế, đôi khi những bà mẹ kiệt sức sẽ ngủ thiếp đi trên giường cùng với đứa con.

Nhưng lời khuyên chính thức là cách làm này đi kèm với tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ.

Điều này có thể làm cho những bà mẹ chọn cách làm như vậy cảm thấy chán nản hoặc cảm thấy bị đánh giá.

Những yếu tố nguy hiểm gây hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS)

Theo CDC, năm 2015, SIDS đã giết chết khoảng 1.600 trẻ nhỏ ở Mỹ.

Trong số trẻ dưới một tuổi, SIDS là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

SIDS có thể xảy ra vì một số lý do, bao gồm:

• ngạt thở do chăn gối

• bị trùm kín, xảy ra nếu người lớn đè vào hoặc chèn lên đầu em bé trong khi em bé đang ngủ

• bị nghẹt thở, có thể xảy ra nếu đầu của bé bị kẹt giữa thanh cũi

• bị mắc kẹt khi em bé bị kẹt giữa hai vật như nệm và tường

Sắp xếp giấc ngủ hợp lý

Bất kể xu hướng làm cha mẹ hiện nay là gì, điều quan trọng là tìm cách sắp xếp giấc ngủ phù hợp với mọi người trong gia đình.

GS Teti nói: "Ở nhiều nơi khác trên thế giới, ngủ chung với con được coi là bình thường, trong khi ở Mỹ, nó có xu hướng bị phê phán.

"Ngủ chung với con, nếu được thực hiện một cách an toàn, sẽ tốt cho cả bố mẹ. Nếu nó phù hợp với mọi người, và mọi người đều ổn, thì ngủ chung là một lựa chọn hoàn toàn chấp nhận được. '

Các nhà nghiên cứu cho biết hầu hết các gia đình Mỹ bắt đầu ngủ chung khi đứa con chào đời, và chuyển con sang phòng riêng trước khi trẻ được 6 tháng tuổi.

Các mối lo ngại về hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS) hoặc mong muốn trẻ học cách tự ngủ có thể là lý do tại sao nhiều người thích để trẻ ngủ một mình. Một phân tích của 103 bà mẹ có con dưới 1 tuổi đã cho thấy mô hình tương tự.

GS. Teti cho biết: "Chúng tôi thấy khoảng 73% gia đình ngủ cùng ở thời điểm một tháng. Con số này giảm xuống còn khoảng 50% ở thời điểm ba tháng, và đến 6 tháng thì còn khoảng 25%.

"Hầu hết trẻ ngủ cùng cha mẹ khi mới sinh sẽ được chuyển ra ngủ một mình sau sáu tháng".

Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Infant and Child Development, không phải về việc liệu ngủ chung là tốt hay xấu, mà là về tầm quan trọng của việc thu xếp chỗ ngủ tốt mà không bỏ rơi người vợ/chồng.

"Nếu bạn định ngủ cùng con, bạn phải đảm bảo là đã trao đổi kỹ với người kia và cả hai người đều nhất trí với những gì định làm.

"Nếu không thì sự tranh cãi và chỉ trích có thể xảy ra, và nó có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với đứa con. Vì vậy, bạn sẽ muốn tránh điều đó. Bạn cũng cần chắc chắn rằng mình có thời gian dành cho bạn đời”.

Ngay cả khi việc ngủ cùng với con là tốt, nó vẫn có thể gây mất ngủ cho bố mẹ nhiều hơn là nếu bé ngủ trong phòng riêng.

"Nếu bạn ngủ cùng con, giấc ngủ của bạn có thể bị gián đoạn, và có lẽ giấc ngủ của mẹ hơn là của bố. Vì vậy, cần cẩn thận nếu bạn không được tốt khi bị thiếu ngủ mãn tính.

"Việc ngủ cùng con cần phải phù hợp với tất cả mọi người, và bao gồm việc ngủ đủ. Để có thể làm tốt nhất vai trò cha mẹ, bạn phải chăm sóc tốt bản thân, và kết quả là con của bạn sẽ được lợi”.

Trẻ có nguy cơ tử vong cao khi ngủ cùng giường với bố mẹ nếu là trẻ sinh non hoặc nhẹ cân.

CDC khuyên nơi an toàn nhất cho trẻ ngủ trong sáu tháng đầu tiên là trong cũi cùng phòng với cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Cẩm Tú

Theo DM