Tạng hiến là tài sản quốc gia!

(Dân trí) - Theo TS. Ryan J. Ehrensberger, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và phát triển kinh doanh UNOS (Mạng lưới chia sẻ tạng quốc gia) cho biết trong pháp luật của Mỹ, tạng hiến là tài sản quốc gia, không thuộc về bất kỳ tổ chức, trung tâm nào.

Mỹ: 30 năm xây dựng mạng lưới điều phối tạng

“Mỹ có kinh nghiệm 30 năm xây dựng hệ thống điều phối ghép tạng với khởi đầu cũng như các bạn (Việt Nam – PV). Với 1 hệ thống minh bạch trong ghép cặp giữa người cần và người hiến sẽ làm giảm tình trạng buôn bán tạng”, chuyên gia David Klassen cho biết tại Hội thảo quốc tế về điều phối tạng do Trung tâm Điều phối Tạng quốc gia tổ chức tại bệnh viện Tâm Anh vào ngày 18/3.

Chỉ tính riêng năm 2018, tại Mỹ có 75.000 người được đưa vào danh sách chờ ghép với số ca ghép được thực hiện là hơn 39.000 ca. Như vậy, mỗi ngày có tới hơn 100 ca ghép được thực hiện tại 40 bệnh viện dưới sự điều phối của UNOS (Tổ chức Điều phối tạng quốc gia – 1 công ty phi lợi nhuận).

Chia sẻ kinh nghiệm vận hành hệ thống này, chuyên gia David Klassen cho biết, chúng tôi có Unet và Transnet hỗ trợ để đảm bảo quy trình công việc.

Dữ liệu do các trung tâm ghép tạng cung cấp được nhập vào máy chủ rồi mới phân phối tới các trung tâm và có thể xem mọi thông tin qua điện thoại, máy tính.

Nói về việc chia sẻ thông tin giữa các trung tâm ghép tạng, TS. Ehrensberger cho biết đây là quy định bắt buộc tại Mỹ bởi “tạng hiến là tài sản quốc gia, không thuộc về bất kỳ tổ chức, trung tâm nào”.

Nhờ đó, hệ thống này sẽ liên tục “ghép cặp” các ca hiến – nhận, giúp UNOS điều phối toàn bộ quá trình vận hành cuộc ghép.

“Do môi trường trong phòng mổ rất hỗn loạn, bác sĩ phải quan tâm đến bệnh nhân nên chúng tôi phải điện tử hóa các quy trình, điền rất nhanh thông tin để dán vào các hộp tạng”, TS. Ryan J. Ehrensberger dẫn chứng.

Để giám sát và duy trì chất lượng, Hội đồng Quản trị gồm 38 thành viên (trong đó có 2 đại diện đến từ BYT, đại diện từng vùng, đại diện trung tâm ghép tạng lớn, người cho sống, người nhận…) sẽ có các hoạt động kiểm tra đột xuất, định kỳ; giám sát độ chính xác của dữ liệu, đảm bảo quy trình vận hành (dữ liệu phải hoàn thành trong 30 ngày sau khi hiến tạng, theo dõi sau ghép là 6 tuần…), phỏng vấn qua điện thoại… để xem các Trung tâm có đủ điều kiện để ghép tạng không.

Một trong những vấn đề TT UNOS của Mỹ gặp phải là tạng chuyển nhầm chỗ, tạng ghép tạng không đúng người. Khi đó, đội ngũ nhân sự của UNOS sẽ khắc phục ngay lập tức và báo cáo lên hội đồng chuyên môn.

Các nội dung khác cũng luôn được cập nhật là thời gian sống thêm của người bệnh sau ghép, thời gian tồn tại của mảnh ghép (ví như với ghép thận, thời gian tồn tại của mảnh ghép phải được trên 95% mới đạt yêu cầu).

Trên thực tế, kể từ khi thành lập đến nay, UNOS đã nhận hơn 200 phàn nàn về chất lượng, vi phạm điều phối tạng.

ghep tang.jpg

Tạng được vận chuyển bằng máy bay khi khoảng cách giữa người hiến và người nhận quá xa

Việt Nam: Đề xuất thành lập các trung tâm điều phối ghép tạng theo vùng

Trước những chia sẻ quý báu từ UNOS Mỹ, các chuyên gia từ Việt Nam đã nhận thấy lỗ hổng về mặt pháp lý trong chia sẻ thông tin với hệ thống điều phối. Đại diện Vụ Pháp chế của Bộ Y tế Việt Nam đánh giá rất cao những chia sẻ của 2 đại diện đến từ UNOS Mỹ.

“Kinh nghiệm quốc tế này rất quan trọng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách.

Việt Nam đang gặp khó khăn trong tự nguyện tuân thủ việc chia sẻ thông tin với hệ thống điều phối. Cơ chế ràng buộc về pháp lý với Trung tâm ghép tạng và Trung tâm Điều phối đang có một khoảng trống, cần được điều chỉnh bằng luật”, đại diện Vụ Pháp chế của Bộ Y tế cho biết.

Trên thực tế, việc kết nối thông tin giữa các trung tâm ghép tạng tại nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu cùng với đó nguồn tạng hiến còn ít. Do đó, trong hơn 10 năm qua, số ca ghép ở 19 trung tâm ghép tạng chỉ bằng chưa đến 1/10 so với số ca ghép trong 1 năm tại Mỹ. Trong khi đó, hiện ở Việt Nam có rất nhiều người chết não (25-30 người chết não/ngày).

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, để giải quyết tình trạng thiếu tạng hiến, tất cả các bệnh viện, từ tuyến huyện trở đi, khi bệnh nhân hôn mê (BS chẩn đoán chết não), ký giấy cho về, cần báo cáo các ca này với Bộ Y tế. Trung tâm sẽ phối hợp với các hội chữ thập đỏ, hội phụ nữ, hội thanh niên…, tổ chức vận động và điều phối tạng.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: “Hiện việc kết nối thông tin giữa 19 trung tâm ghép tạng của chúng ta chưa hiện đại. Ở các nước phát triển như Mỹ, phần mềm kết nối của họ giúp tra cứu, kết nối thông tin nhanh. Chúng ta cần tiến tới hiện đại như thế để có thể điều phối ghép tạng được nhanh hơn và có hiệu quả hơn; tiến tới kết nối với các trung tâm ghép tạng lớn trong khu vực”.

Cùng với đó, để đẩy mạnh hoạt động, Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia (Bộ Y tế) đang đề xuất thành lập các trung tâm điều phối vùng và xây dựng cơ cấu giá ghép tạng làm cơ sở để thanh toán bảo hiểm y tế.

Trần Phương