Cà Mau:

Tăng cường kiểm tra để ngăn chặn lợn không rõ nguồn gốc "chui" vào địa bàn

(Dân trí) - Ngày 15/5, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo không cho các tổ chức, cá nhân vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc,… vào địa bàn tỉnh này cho đến khi hết bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, theo báo cáo của Chi cục Thú y, tính đến ngày 12/5, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố. Số lợn bị bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con (chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn của cả nước).

Đặc biệt, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại tỉnh Đồng Nai, Bình Phước (là một trong những nơi cung cấp nguồn thịt lợn trọng điểm của nước) và tỉnh Hậu Giang (một tỉnh ở ĐBSCL).

Tăng cường kiểm tra để ngăn chặn lợn không rõ nguồn gốc chui vào địa bàn - 1

Cà Mau khẩn trương phòng ngừa bệnh dịch tả lợn Châu Phi. (Ảnh minh họa)

Trước tình hình trên, để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường các hoạt động kiểm tra 24/24 ở tất cả các trạm, chốt; các chốt tạm phải có bảng “Trạm (hoặc Chốt) kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi”

UBND tỉnh Cà Mau không cho các tổ chức, cá nhân vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không gõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền vào địa bàn tỉnh này. Thời gian thực hiện từ ngày 15/5 đến khi hết bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh đã thực hiện cam kết với 11.037 hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn điều tra đến cuối tháng 4/2019 là 74.724 con và 528 hộ kinh doanh, giết mổ lợn trong tỉnh.

Tỉnh khuyến cáo dành cho người chăn nuôi lợn là khai báo bất kỳ trường hợp đáng ngờ nào (lợn chết hoặc còn sống) cho cơ quan thú y, vì dịch tả lợn Châu Phi không giết chết hết đàn lợn cùng một lúc nhưng dần dần cả đàn lợn đều chết.

“Địa phương, cơ quan, đơn vị nào lơ là, chủ quan, chấp hành không nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên, thiếu trách nhiệm trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy”, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau chỉ đạo rõ.

Huỳnh Hải