Thanh Hóa:

Tâm sự của bác sĩ 15 năm đương đầu với bệnh dịch

(Dân trí) - 25 năm trong nghề nhưng bác sĩ Đỗ Xuân Tiến -Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, BV ĐK Thanh Hóa có 15 năm lăn xả trong những cuộc chiến chống bệnh truyền nhiễm, nhiều lúc phải đối mặt với rủi ro, nguy hiểm..

“Niềm vui lớn nhất là thấy bệnh nhân trở về với cuộc sống”

Câu chuyện giữa tôi và bác sĩ Đỗ Xuân Tiến (SN 1972) - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (trước đây là khoa Truyền nhiễm) vào một ngày khi mà dư âm về thành công trong việc cứu chữa bệnh nhân dương tính với Covid-19 vẫn đang còn đọng lại.

Tâm sự của bác sĩ 15 năm đương đầu với bệnh dịch - 1

Với bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, niềm vui lớn nhất là bệnh nhân của mình được trở về với cuộc sống.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1995, với 25 năm trong nghề nhưng bác sĩ Tiến đã gắn bó với những bệnh nhân mang căn bệnh truyền nhiễm 15 năm qua tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Khó khăn, nhọc nhằn, có những lúc đối mặt với hiểm nguy nhưng anh luôn tâm niệm, niềm vui lớn nhất chính là mỗi bệnh nhân của mình được trở về với cuộc sống.

 “Chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, kể cả nhiều bệnh nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì bệnh nhân, mình phải làm hết trách nhiệm với chính cái tâm của một người thầy thuốc. Bởi thế mới nói, mỗi lần có dịch đều là dịp thử thách cả lòng yêu nghề lẫn bản lĩnh của người thầy thuốc ” – bác sĩ Tiến tâm sự.

Tâm sự của bác sĩ 15 năm đương đầu với bệnh dịch - 2

Ngoài việc hết lòng cứu chữa cho bệnh nhân, bác sĩ Tiến còn tham gia kêu gọi nhân ái cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Thực tế, bác sĩ Tiến và nhân viên từng phơi nhiễm HIV và trong một thời gian dài sống trong lo lắng để chờ kết quả xét nghiệm. Đó là lần cấp cứu cho một bệnh nhân tràn dịch màng phổi, bệnh nhân này lại mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Trong lúc bệnh nhân vật vã, kim tiêm gây tê văng ra quyệt vào tay bác sĩ Tiến khiến anh phải uống thuốc phơi nhiễm cả tháng trời.

Ngoài lần đó, còn vô vàn những ca dịch bệnh có sức lây lan lớn anh cũng không khỏi lo lắng sẽ mang mầm bệnh về lây cho gia đình.

“Vợ con thì biết công việc của mình rồi, mình cũng có biện pháp nhưng trong chừng mực nào đó có băn khoăn lo lắng. Có những bệnh phòng ngừa được, nhưng có những bệnh khó phòng, như cúm chẳng hạn mình khỏe lấn át được nhưng có thể mang virus về lây cho vợ con” – bác sĩ Tiến trải lòng.

Bật khóc khi đón nhận món quà của người bệnh

25 năm trong nghề, lần đầu tiên bác sĩ Tiến bật khóc trước một tin nhắn chúc mừng vào ngày 27/2 của một bệnh nhân người dân tộc sống trên huyện miền núi Quan Sơn. Cho đến giờ khi ngồi trò chuyện với tôi, anh vẫn nghẹn ngào.

 “Đó là một bệnh nhân nhiễm trùng uốn ván vào viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh” đã được tôi trực tiếp điều trị và may mắn trở về với cuộc sống. Vào ngày 27/2 năm ngoái, họ đã nhớ và nhắn tin chúc mừng tôi. Tôi thật sự cảm thấy xúc động vô cùng vì thực tế những y bác sĩ như tôi cống hiến, hy sinh cũng nhiều nhưng không may sơ suất thì bị dư luận chỉ trích nhiều hơn là ghi nhận. Bởi thế, khi được người nhà bệnh nhân họ ghi nhận và có lời động viên như thế, trân trọng mình như thế mình thấy rất đáng quý…” – bác sĩ Tiến tâm sự.

Ngoài việc hết lòng với bệnh nhân trong quá trình điều trị, bác sĩ Tiến cùng các y bác sĩ ở Khoa Bệnh nhiệt đới còn đóng vai kết nối những tấm lòng hảo tâm. Anh cho biết, bệnh nhân ở khoa hầu như có hoàn cảnh khó khăn mà bệnh thì phải điều trị trong thời gian dài.

Bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng nhiều loại thuốc không nằm trong danh mục được chi trả, còn bệnh nhân không có bảo hiểm thì khó khăn trăm bề, ngay cả chi phí cho việc chăm nuôi cũng vô cùng tốn kém vì có những bệnh nhân ăn uống qua ống xông…

Tâm sự của bác sĩ 15 năm đương đầu với bệnh dịch - 3

Bác sĩ Tiến tâm niệm chống dịch cũng như chống giặc và y bác sĩ là chiến sĩ, phải lăn xả, phải hy sinh...

Anh phấn khởi khi kể lại những trường hợp đã được cứu sống nhờ kêu gọi: “Gần đây nhất là vào năm ngoái, chúng tôi kêu gọi giúp đỡ bệnh nhân Lê Đức Thuỷ ở xã Thọ Thế, Triệu Sơn bị viêm màng não hay như bệnh nhân Bùi Văn Sơn ở xã Thành Trực, Thạch Thành bị uốn ván nặng do bỏng nặng. Cả hai đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhờ kêu gọi, bệnh nhân đã có chi phí điều trị và khỏi bệnh trở về với cuộc sống – đó là niềm vui lớn nhất của người thầy thuốc như chúng tôi”.

Cuộc chiến nhớ đời chiều 30 Tết!

Với bác sĩ Tiến, cái Tết vừa qua chính là cái Tết khiến anh nhớ nhất – một cái Tết phải cách ly hoàn toàn với người thân, không tiếp khách cũng như không chúc Tết.

“Sau khi tiếp nhận bệnh nhân đi từ Vũ Hán về nghi nhiễm Covid-19 vào chiều 30 Tết, chúng tôi triệu tập toàn bộ lực lượng trong khoa triển khai chống dịch. Hôm đó, có 2 mục tiêu là, anh em phải hy sinh ngày Tết, sẵn sàng phương án chống dịch; thứ 2 là ca bệnh khả năng lây lan cao, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của mình. Anh em trong Khoa cũng băn khoăn, nhưng chúng tôi đều xác định chống dịch cũng như chống giặc, bác sĩ cũng giống như chiến sỹ làm nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng lao vào để làm việc”.

Tâm sự của bác sĩ 15 năm đương đầu với bệnh dịch - 4

Bác sĩ Tiến (đầu tiên bên phải) vinh dự là một trong những cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Lúc nữ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, bác sĩ Tiến và đồng nghiệp của mình tự nhủ, không được lơ là, thực hiện điều trị đúng phác đồ và cách ly tuyệt đối an toàn đối với người bệnh.

Những cuộc gặp chớp nhoáng với gia đình, sau những giờ làm việc căng thẳng không làm cho bác sĩ Tiến yên tâm hơn, trái lại là sự lo lắng, bất an. Ánh mặt của vợ, nụ cười của con thơ càng làm cho anh quyết tâm, không thể để Covid-19 có cơ hội lây lan sang những người thân yêu, gia đình, xã hội. Muốn vậy phải cách ly, dừng tất cả mọi hoạt động thăm thân ngày Tết, tụ tập đông người, khép mình sau tấm bảng mang dòng chữ “khu vực cách ly”.

Thành công không phụ công người, những nỗ lực của bác sĩ Tiến và đồng nghiệp đã được đền đáp. Sau khi xét nghiệm lần 1 dương tính với Covid-19, ngày 2/2 bệnh nhân Nguyễn Thị Trang đã có kết quả xét nghiệm lần 2 và âm tính với Covid-19.

Ngày 24/2, bác sĩ Tiến vinh dự là một trong 11 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra trên địa bàn tỉnh. Đây là một món quà có ý nghĩa rất lớn giúp cho những y bác sĩ như bác sĩ Tiến có thêm động lực để cống hiến với nghề, phụng sự nhân dân.

Bình Minh