Tắm lá trị rôm sảy cho bé - Có nên chăng?

Hiện các bà mẹ hay tắm bé bằng lá chè xanh để giải quyết tình trạng rôm sảy, dị ứng ngứa. Biện pháp dân gian này chưa được công nhận là hoàn toàn hữu ích. Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Liên – Chuyên khoa 2, Bệnh viện Da Liễu Tp. HCM sẽ trao đổi về vấn đề này

Hỏi: Chào bác sĩ, em mới sinh con được gần 1 tháng. Cháu bị rôm sảy nên bà nội thường xuyên vò lá kinh giới và lá chè xanh để tắm cho cháu. Hôm nào không mua được lá, bà lại thay đổi tắm bằng chanh tươi hay mướp đắng. Em hơi ngại axit trong chanh không tốt cho bé nhưng bà nói ngày xưa toàn tắm cho các con như thế có sao đâu. Một tuần sau thì thấy toàn thân cháu bị mẩn đỏ càng nhiều và các nốt như dày thêm, chứ không có dấu hiệu dịu giảm. Em rất lo lắng không biết cháu có bị dị ứng với mấy loại lá này hay viêm nhiễm gì không. Xin hỏi bác sĩ, trẻ sơ sinh tắm bằng các loại lá để trị rôm sảy có được không, hay tắm như thế nào thì tốt cho da bé? (Lê Thu Hằng, TP. HCM)

Bác sĩ chuyên khoa 2, Nguyễn Thị Bích Liên – Bệnh viện Da liễu Tp. HCM trả lời
 
Bác sĩ chuyên khoa 2, Nguyễn Thị Bích Liên – Bệnh viện Da liễu Tp. HCM trả lời:
Hiện nay các bà mẹ hay tắm bé bằng lá chè xanh để giải quyết tình trạng rôm sảy, dị ứng ngứa hay chàm sữa. Thật ra đây là một biện pháp dân gian được truyền miệng qua nhiều thế hệ và hiệu quả thì chưa được công nhận là hoàn toàn hữu ích.

Tình trạng da bé bị dị ứng là do hàng rào bảo vệ da bé bị tổn thương cộng với yếu tố nhiệt độ cao làm tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn nên xuất hiện rôm sảy trên da. Nếu tình trạng này kéo dài, bé sẽ khó ngủ quấy đêm và đôi khi trở nên gắt gỏng biếng ăn ảnh hưởng đến vấn đề tăng trưởng của bé. Ngoài ra, một số loại lá cây mọc ở bờ bụi, nếu không được rửa sạch thì sẽ tồn tại nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhiễm trùng da do đắp lá, trong đó không ít trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị trong tình trạng viêm nhiễm nặng. Hơn nữa, trường hợp bị viêm nhiễm ở vùng đầu, mặt nếu không xử trí đúng sẽ gây nguy hiểm.

Chúng ta cần hiểu rõ là da trẻ sơ sinh chỉ dày bằng 1/5 da người lớn. Các tế bào ít và lớp sừng mỏng nên chức năng bảo vệ của lớp sừng còn hạn chế, khiến da trẻ dễ bị tổn thương. Điều đó có nghĩa là các chất tiếp xúc với da từ môi trường ngoài dễ xâm nhập vào da và làm da dễ hấp thụ hơn, bất kể tốt, xấu.

Bên cạnh đó, tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn ít hoạt động làm cho màng acid bảo vệ ở da trẻ em tương đối yếu cộng với khả năng điều hòa nhiệt ở da kém nên trẻ dễ bị mất nước qua da, khiến da dễ bị khô và “yếu đuối” trước các tác nhân bên ngoài.

Vì vậy, khi tắm cho trẻ, lưu ý không nên tắm cho trẻ sữa tắm thông thường có chứa xà phòng với độ kiềm cao. Tốt nhất, để chăm sóc trẻ hàng ngày, mẹ nên chọn loại sữa tắm diệt khuẩn có độ PH thích hợp  từ 4.75 – 5.5, không mùi hoặc mùi thơm nhẹ nhàng sẽ tránh gây ra những kích ứng hay dị ứng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Liên – Chuyên khoa 2, Bệnh viện Da Liễu Tp. HCM
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Liên – Chuyên khoa 2, Bệnh viện Da Liễu Tp. HCM

Ngoài ra, các bà mẹ không nên chờ đến lúc có bệnh mới chữa. Nhiều bà mẹ cứ nghĩ là ở khí hậu nhiệt đới thì không cần phải bôi kem giữ ẩm hàng ngày là sai lầm. Da trẻ cần phải giữ ẩm và làm mềm thường xuyên.  Nên lưu ý chọn chất giữ ẩm hiệu quả với thành phần acid béo Omega 6 kết hợp với Ceramide tăng cường hàng rào bảo vệ cho da giảm viêm ngứa và đỏ.

Bên cạnh đó, nên giữ da trẻ thoáng mát, chọn quần áo bằng chất liệu cotton thấm hút mồ hôi. Chú trọng đến việc chống nắng cho trẻ khi đi ra ngoài bằng mũ, nón vì ánh nắng sẽ tạo điều kiện cho rôm sảy phát triển hơn, cho trẻ uống nước đều đặn và dùng bổ sung thêm các loại nước làm mát cơ thể từ bên trong.

Khi phát hiện những biểu hiện bất thường trên da trẻ nên nên đưa trẻ tới các cơ sở chuyên khoa khám và điều trị ngay, tuyệt đối không tự mua thuốc cho con bôi hoặc tự chữa ở nhà vì có thể làm bệnh nặng hơn chưa kể xảy ra những biến chứng có hại cho da và sức khỏe của trẻ.

PV