Tắm biển bị rộp ngứa da: Căn do, dự phòng và xử lý

(Dân trí) - Mấy ngày gần đây tại Đà Nẵng, nhiều người dân và du khách đã phiền lòng, lo lắng vì bị mẩn ngứa, rộp da sau khi đi tắm biển. Người dân vùng biển cho rằng, những vị không may này đã đụng phải những con sứa lửa. Loại sứa màu đỏ này có nhiều chất độc: nhẹ thì gây ngứa, nặng thì bỏng rát, rộp da, lở loét, lồi thịt, nhiễm trùng…

Tắm biển bị rộp ngứa da: Căn do, dự phòng và xử lý - 1

Những bệnh da sau tắm biển Mùa hè là cơ hội để tận hưởng những kỳ nghỉ ở đại dương: bơi lội, lướt sóng hay lặn biển..nhưng cũng là thời điểm con người dễ bị ngứa, ban sẩn, rộp da sau khi tắm biển…. Nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh da liễu này, bao gồm côn trùng cắn đốt, chất độc kích ứng da, vi sinh vật trong nước, mề đay do lạnh và dị ứng với ánh nắng mặt trời…..

* Rộp da (seabather's eruption, sea lice)

Tắm biển bị rộp ngứa da: Căn do, dự phòng và xử lý - 2

Hay gặp nhất là rộp da do phơi nhiễm với ấu trùng các giống sứa, đặc biệt sứa màu đỏ, sứa lửa, vì chúng ăn các loại tảo đỏ có chứa chất độc thần kinh saxitoxin. Những ấu trùng sứa rất nhỏ, “rận biển” (sea lice) thường chen lọt vào khe kẹt giữa da và bộ đồ tắm, ván lướt sóng hoặc một vật dụng thể thao khác, gây ngứa, phát ban da ở những vùng có quần áo. Ngứa rát xuất hiện rất nhanh, ngay khi người tắm đang còn bơi dưới biển và tồn tại trong nhiều giờ sau khi tiếp xúc.

Việc chà xát, gãi ngứa da sẽ làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn, vì ấu trùng sẽ phóng thích nhiều độc tố vào da do áp lực hoặc ma sát. Ngoài phát ban da ngứa, một số nạn nhân còn có thể bị các triệu chứng toàn thân do các chất độc, như sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn, tức ngực, đau đầu, tiêu chảy...

Nếu bị rộp da khi tắm cần rời nước biển ngay, rửa sạch da bằng nhiều nước sạch. Một số thuốc có thể dùng để điều trị gồm: các loại kem corticosteroid bôi tại chỗ, thuốc kháng histamin uống, thuốc giảm đau và trong những trường hợp nặng, vết rộp lan rộng và có nguy cơ nhiễm trùng thì phải dùng thêm kháng sinh.

* Ban ngứa (swimmer's itch)

Chứng ngứa của người bơi lội, còn được gọi là viêm da ấu trùng (cercarial dermatitis). Những ấu trùng thủy sinh này ký sinh ở các loại chim nước, nhuyễn thể, giáp xác …và lây nhiễm sang cho người.

Tắm biển bị rộp ngứa da: Căn do, dự phòng và xử lý - 3

Đây chủ yếu là những viêm da dị ứng gây ra phát ban ngứa, nổi ban đỏ trên da, ở các phần không được đồ tắm che phủ. Phát ban thường phát triển trong vòng một vài ngày tiếp xúc với nước bị ô nhiễm, đặc biệt là các hồ cạn, nơi loài chim thủy sinh hoặc ốc nước ngọt được biết là tồn tại. Ban sẩn da trong chứng ngứa người bơi lội thường biến mất trong một tuần dù có hoặc không điều trị hay không. Cần lưu ý những ấu trùng như schistosome không ký sinh ở người, chúng chết trên da nhưng vẫn gây phát ban. Cách tránh ngứa của người bơi lội đơn giản là tránh tiếp xúc với các hồ và sông bị ô nhiễm. Phát ban được điều trị tốt nhất với các loại kem corticosteroid tại chỗ, kháng histamin uống, và có khi phải dùng kháng sinh vì bội nhiễm khuẩn thứ phát.

* Viêm da do tảo biển (seaweed dermatitis)

Là viêm da do tiếp xúc với độc chất có trong một vài loại tảo biển. Chất độc có thể tác dụng trực tiếp lên da tiếp xúc nước biển và cả da có mặc áo tắm. Lúc da khô sau khi tắm biển, các hóa chất độc hại từ những miếng rong tảo biển mắc kẹt trong áo tắm, vật dụng biển sẽ kích thích da gây ra ban ngứa.

* Viêm da do vi khuẩn (diving suit dermatitis, bikini bottom infection)

Một số vi khuẩn có thể phát triển trong bộ đồ lặn cao su tổng hợp nếu nó không được làm sạch, đặc biệt trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa, có thể gây ban đỏ viêm da đồ lặn (diving dermatitis). Cũng vậy, nếu mặc quần áo tắm ướt trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiễm trùng viêm nang lông với các vi khuẩn với Streptococcus hoặc Staphylococcus aureus (bikini bottom infection). Những viêm da nhiễm khuẩn này có thể ngăn chặn dễ dàng bằng các biện pháp vệ sinh: Sau mỗi lần sử dụng, đồ lặn cần được ngâm rửa với nước 0,45% axit lactic 0,45% ; Thay đồ bơi ướt ngay sau khi lên bờ và tắm nước ngọt sạch sau đó. Nếu đã viêm da, bắt buộc phải dùng thuốc kháng sinh.

Thay lời kết

Tắm biển và thể thao nước là những món không thể thiếu trong kỳ nghỉ hè. Nước biển cũng là một phương thuốc điều trị trong y học. Phó Giáo sư Jonathan Peter, Trưởng khối Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, Khoa Y, Viện Phổi, ĐH Cap Town, nhận định: “Các nghiên cứu cho thấy khí dung với nước muối rất hiệu quả cho người bị viêm mũi dị ứng”. Một số bệnh phổi mãn tính cải thiện rõ khi cho vào sống trong các hầm mỏ muối. Nhưng trong môi trường nước biển, cũng có chứa vài nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người, sẩn ngứa da là một trong số đó. Theo Viện Hen dị ứng và Miễn dịch Hoa kỳ (Americian Academy of Allergy Asthma and Immunology, AAAAI), rộp sẩn, ban ngứa da sau khi tắm biển là khá phổ biến, dù rằng dị ứng với nước biển, muối là khó xảy ra, có chăng là dị ứng khi tiếp xúc với cái lạnh của nước biển.

Do đó, cách tốt nhất khi đi tắm biển là cần phải lưu ý và tránh những nguyên nhân gây bệnh lý rộp ngứa da có thể gặp như đã nêu trên. Còn nếu đã vướng bệnh cần bình tĩnh, tuần tự các bước xử lý: (1) Không cào gãi vì sẽ gây tổn thương da và nặng bệnh thêm; (2) Ra khỏi nước biển, cởi hết đồ tắm và rửa sạch da với nhiều nước ngọt sạch; (3) Lau khô cơ thể nhẹ nhàng, cấm chà xát vùng da tổn thương; (4) Làm dịu ngứa bằng gạc lạnh, hồ nước bột yến mạch, dầu cây trà, túi nước đá..; (5) Nếu chưa cải thiện, có thể dùng các thuốc hỗ trợ: (a) kem corticoid tại chỗ, (b) thuốc chống dị ứng, kháng histamine (c) thuốc giảm đau, kháng sinh… khi cần thiết.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam