Tại sao ít ngủ lại dễ ra quyết định rủi ro cao?

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới cho thấy thiếu ngủ mãn tính có thể kích hoạt việc ra những quyết định bốc đồng mà chính chúng ta không nhận ra.

Tại sao ít ngủ lại dễ ra quyết định rủi ro cao? - 1

Danh sách các vấn đề về tinh thần và thể chất do ít ngủ đang ngày càng dài hơn khi một nghiên cứu chỉ ra rằng việc ngủ quá ít sẽ dẫn tới các quyết định nhiều rủi ro. Và điều khó hiểu là chính chúng ta không nhận ra điều chúng ta đang làm.

Nghiên cứu đã quan sát một nhóm tình nguyện viên trong độ tuổi 18-28. Những người này chỉ ngủ 5 tiếng mỗi đêm so với nhóm ngủ 8 tiếng mỗi đêm.

2 lần mỗi ngày, họ sẽ phải ra các quyết định như: nhận 1 khoản tiền hay chơi cờ bạc để nhận 1 khoản tiền cao hơn hoặc không gì cả.

Kết quả trở nên rõ ràng hơn khi ở tuần tiếp theo. Ở thời điểm bắt đầu, ngủ ít không ảnh hưởng đến quyết định của các tình nguyện viên nhưng khi tình trạng ít ngủ kéo dài, các tình nguyện viên ngày càng thiên về quyết định mạo hiểm và cuối cùng tất cả đều chọn chơi cờ bạc.

Các nhà nghiên cứu cũng quan tâm đến cách các tình nguyện viên ra quyết định như thế nào. Nếu thấy các tình nguyện viên gia tăng nguy cơ, họ sẽ tăng giờ ngủ. Hầu hết các tình nguyện viên cho biết họ không thấy có sự khác biệt.

Christian Baumann, đồng tác giả nghiên cứu và là chuyên gia thần kinh học, cho biết: “Họ không nhận thức được rằng họ đã có những hành vi nguy cơ cao hơn khi họ thiếu ngủ”.

Mặc dù những quyết định rủi ro đôi khi mang lại lợi ích nhưng các kết quả từ nghiên cứu này rất đáng lo ngại bởi ngoài việc ra các quyết định bốc đồng thì người ra quyết định không nhận thức được việc ra quyết định đầy rủi ro của mình.

Tuy nhiên, đây chỉ là nghiên cứu nhỏ, các tình nguyện viên đều là nam giới trẻ tuổi - đối tượng có thể ra quyết định bốc đồng ngay cả trong những điều kiện sức khỏe tốt nhất.

Ngủ quá ít vốn liên quan với sự thiếu tập trung chú ý, đặc biệt ở những người trẻ. Trên thực tế, nghiên cứu gần đây cho thấy tăng động giảm chú ý có liên quan với rối loạn giấc ngủ.

Sự chú ý và ra quyết định đều liên quan đến 1 vùng của não do đó không có gì ngạc nhiên khi yếu tố này bị ảnh hưởng sẽ tác động đến yếu tố còn lại và ngược lại.

Tin tốt lành là hầu hết chúng ta đều có thể giải quyết được vấn đề này dù đang phải đối mặt với những vấn đề xã hội như mạng xã hội, game… đang “đánh cắp” thời gian mỗi tối của chúng ta cùng với stress, hủy hoại giấc ngủ. Đó là khi phát hiện ra vấn đề, chính vấn đề sẽ trở thành động lực để chúng ta tìm lại giấc ngủ.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Annals of Neurology.

Nhân Hà