Tại sao giấc ngủ lại quan trọng với trẻ?

(Dân trí) - Một nghiên cứu chỉ ra những trẻ không ngủ đủ có thể dễ mắc đái tháo đường hơn những trẻ khác.

Tại sao giấc ngủ lại quan trọng với trẻ? - 1

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra dữ liệu khảo sát về thói quen ngủ và kết quả từ phòng thí nghiệm về các yếu tố nguy cơ đái tháo đường của 4.525 trẻ Anh trong độ tuổi 9 - 10.

Trung bình, trẻ ngủ 10,5 tiếng vào buổi đêm, trong khi chuẩn của giấc ngủ đêm ở trẻ độ tuổi này là 8-12 tiếng.

Những trẻ ngủ ít hơn trong nghiên cứu có nguy cơ đái tháo đường - kháng insulin - khi cơ thể không có phản ứng bình thường với hoóc môn này.

Những trẻ ngủ ít hơn cũng dễ thừa cân hay béo phì hơn và có nhiều mỡ hơn.

Đó là bởi vì mỗi giờ ngủ buổi đêm có liên quan chặt chẽ với việc tăng cân chậm hơn, có chỉ khối cơ tốt hơn và ít tích đường trong máu hơn, các nhà nghiên cứu cho biết trên tạp chí Pediatrics.

“Những phát hiện này cho thấy việc chú trọng giấc ngủ sẽ là cách đơn giản và hiệu quả trong việc giảm mỡ và nguy cơ đái tháo đường typ 2 trong tương lai”, trưởng nhóm nghiên cứu Christopher Owen ĐH George's, London, cho biết.

Đái tháo đường typ 2 thường gọi là đái tháo đường trưởng thành do rất hiếm gặp ở trẻ em. Nhưng ngày nay, nó đang trở nên phổ biến ở trẻ em khi có tới hàng triệu trẻ trên toàn thế giới đang thừa cân hay béo phì, không tập luyện đủ và ăn quá nhiều thực phẩm ngọt và béo.

Béo phì và đường huyết tăng là các yếu tố nguy cơ gây ra đái tháo đường typ 2, vốn xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng hay tạo đủ hooc môn insulin để chuyển hóa đường huyết thành năng lượng.

Theo Viện Nhi khoa Hoa Kỳ, những trẻ ở tuổi 6-12 cần ngủ 9-12 tiếng mỗi đêm. Việc không ngủ đủ có liên quan với sự gia tăng nguy cơ chấn thương, huyết áp cao, béo phì và trầm cảm.

Theo chuyên gia giấc ngủ nhi khoa Stacey Simon, giấc ngủ có thẻ ảnh hưởng xấu đến sự thèm ăn của trẻ cũng như điều chỉnh lượng đường trong máu. Khi trẻ đi ngủ muộn hoặc giờ ngủ thất thường, trẻ có thể bỏ bữa, ăn uống thất thường và ít vận động hơn.

Còn theo James Gangwisch, một nhà nghiên cứu tâm thần học, ĐH Columbia (Hoa Kỳ), thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến hooc môn kiểm soát thèm ăn, làm cho trẻ đói và tăng nhu cầu ăn đồ ngọt hơn.

Theo Femke Rutters, TT Y khoa ĐH VU (Amsterdam, Hà Lan), ngoài việc đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc, giờ ngủ đều đặn, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ xem phim trước giờ ngủ, phòng ngủ đủ tối để trẻ có giấc ngủ ngon.

Nhân Hà