Sụt 10kg một tháng vì nhiễm giun lươn toàn thân

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, nam bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán nhiễm giun lươn toàn thân gây biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng huyết. Sau hơn nửa tháng điều trị nội khoa tích cực, bệnh nhân mới qua được nguy kịch.

Thông tin từ BS Nguyễn Ngọc Huy, khoa Hồi sức và Lọc thận, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, tại đây vừa cứu một ca bệnh “từ cõi chết trở về” do nhiễm giun lươn toàn thân rất nặng. Người bệnh là ông Trần Văn T. (78 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức, TPHCM).

Hình ảnh soi kính hiển vi cho thấy, ấu trùng giun lươn lúc nhúc trong mẫu bệnh phẩm từ người bệnh
Hình ảnh soi kính hiển vi cho thấy, ấu trùng giun lươn lúc nhúc trong mẫu bệnh phẩm từ người bệnh

Điều tra bệnh sử ghi nhận, sau 3 ngày ho khạc ra đàm vàng, sốt, khó thở… bệnh nhân đã được điều trị tại một bệnh viện trên địa bàn TPHCM với chẩn đoán viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm dạ dày. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, tình trạng trên tái diễn, người bệnh ho nhiều kèm theo khó thở, ăn uống kém. Chỉ trong vòng 1 tháng, ông T. đã bị sụt đến 10kg khiến cơ thể suy kiệt.

Qua kết quả kiểm tra hình ảnh, xét nghiệm, bác sĩ tại bệnh viện Hoàn Mỹ đã hội chẩn và thống nhất kết luận ban đầu với chẩn đoán, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm dạ dày, rối loạn điện giải, nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân phải thở máy, nguy cơ tử vong rất cao.

Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng nên tiến hành cấy đàm, nội soi dạ dày thực quản kiểm tra, kết hợp với sử dụng kháng sinh phổ rộng. Qua sinh thiết soi tươi đàm và soi phân từ người bệnh, bác sĩ giật mình phát hiện ấu trùng giun lươn bơi lội lúc nhúc dưới kính hiển vi. Ngay lập tức, bệnh nhân được dùng thuốc kháng ký sinh trùng kết hợp với điều trị kháng sinh. Sau hơn nửa tháng điều trị nội khoa tích cực, ấu trùng giun lươn đã bất hoạt, sức khỏe người bệnh nhanh chóng bình phục.

BS Nguyễn Ngọc Huy cho hay, nhiễm giun lươn là bệnh do ký sinh trùng đường tiêu hóa gây ra. Bệnh thường có biểu hiện rất mơ hồ khiến bác sĩ dễ nhầm với các chứng bệnh nội khoa khác. Người nhiễm giun lươn nặng, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 80%.

Hầu hết bệnh nhân bị ký sinh trùng trên tấn công là do sử dụng thức ăn tươi sống hoặc người làm vườn thường xuyên tiếp xúc với đất. Để tránh nguy cơ bị giun lươn tấn công, BS Ngọc Huy khuyến cáo cộng đồng nên thực hiện ăn chín uống chín, mang dụng cụ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất trong quá trình làm vườn, lao động.

Vân Sơn