Làm gì khi bị nôn, buồn nôn sau xạ trị?

(Dân trí) - Triệu chứng buồn nôn hay nôn có thể xuất hiện ở những người bệnh ung thư điều trị bằng tia xạ. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng này phụ thuộc vào vùng được xạ trị.

Xạ trị là phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa, năng lượng cao như tia X, tia gamma, hạt nguyên tử electron, hạt beta, các điện tử để tiêu diệt tế bào ung thư.

Tùy vào đặc điểm vị trí ung thư, thời gian chiếu xạ, liều chiếu xạ mà gây ra các tác dụng phụ khác nhau trên người bệnh. Tác dụng phụ của xạ trị thường xảy ra ở tuần điều trị thứ hai và thứ ba, có thể phản ứng mạnh nhất ở tuần thứ tư và thứ năm trước khi kết thúc liệu trình điều trị và tiếp tục trong khoảng 2 - 3 tuần sau điều trị.

Làm gì khi bị nôn, buồn nôn sau xạ trị? - 1

Triệu chứng buồn nôn, nôn có thể ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của người bệnh do việc cung cấp không đủ năng lượng, thiếu hụt một số chất dinh dưỡng do không bù đủ lượng dịch mất đi do nôn.

Một số người bệnh cảm thấy nôn nao khoảng vài giờ ngay sau khi xạ trị. Nếu người bệnh có triệu chứng này, có thể ăn nhẹ trước hoặc sau khi xạ trị. Người bệnh có thể kiểm soát nôn tốt hơn khi dạ dày rỗng.

Nếu người bệnh buồn nôn trước xạ trị, có thể hướng dẫn người bệnh thử ăn bữa nhẹ như bánh mì, thư giãn nhiều nhất có thể.

Dưới đây GS.TS Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) đưa ra một số lời khuyên giúp người bệnh cải thiện tình trạng dạ dày khi xạ trị:

- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày.

- Khuyến khích người bệnh ăn thường xuyên, ăn chậm, nhai kỹ.

- Tránh thực phẩm cay, chiên, ngọt và chứa hàm lượng chất béo cao.

- Uống nước hoặc đồ uống khác giữa các bữa ăn.

- Không ăn thực phẩm quá nóng, nhiệt độ thức ăn nên ở nhiệt độ phòng.

- Nếu tình trạng dạ dày không tốt, thử chế độ ăn lỏng như nước dùng hoặc nước hoa quả hoặc thực phẩm dễ tiêu hóa như nướng khô hoặc dạng gelatin.

- Tập cách thở và thư giãn khi cảm thấy buồn nôn.

Hà An