Sự thật về thông tin “cần sa y tế”

Cần sa được xếp vào loại chất cấm, song trong thời gian gần đây, một loại “cần sa y tế” lại được rao bán một cách công khai trên mạng xã hội với khả năng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh từ bệnh vẩy nến, giúp bào thai trong bụng mẹ có tính cách tươi vui đến cả bệnh nan y như ung thư...

Tác dụng như thần dược?

Thời gian gần đây, trên một trang facebook có tên “Cần sa y tế” dù mới xuất hiện nhưng đã thu hút một lượng lớn người theo dõi trang này với lượt thích trang lên tới hơn 7.000 người. Trang facebook lấy hình đại diện là cây cần sa, đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền về tác dụng thần kỳ của cây cần sa có thể chữa tất cả các loại bệnh. Từ cai nghiện rượu tới vẩy nến... thậm chí chữa bệnh nan y như ung thư... Xin trích dẫn nguyên văn một đoạn trong bài viết Cần sa y tế có thể giúp như thế nào? trên trang này: “Việc điều trị ung thư máu, cũng giống như những căn bệnh ung thư khác, sẽ thường đòi hỏi vài liệu trình hóa trị hoặc xạ trị. Trong khi hóa trị, xạ trị là phương pháp “chính quy” được nhiều bác sĩ nói rằng là phương pháp điều trị ung thư hiệu quả nhất được biết đến hiện nay và chúng có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ rất có hại. Thì vài nghiên cứu khuyến nghị rằng cần sa y tế có thể giúp giảm các tác dụng phụ rất độc hại từ các liệu pháp điều trị khắc nghiệt và đồng thời kích thích sự thèm ăn để đảm bảo cơ thể nhận được đầy đủ dinh dưỡng cần thiết để chiến đấu với căn bệnh ung thư... Dù sử dụng cần sa y tế kết hợp để giảm tác dụng phụ từ hóa trị, hay dùng cần sa y tế như một liệu pháp điều trị chính yếu, đều có nhiều khả năng thúc đẩy tỷ lệ kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân và trong nhiều trường hợp, cứu sống họ”.

Sự thật về thông tin “cần sa y tế” - 1

 

Trang facebook “Cần sa y tế” chia sẻ thông tin chữa bách bệnh từ cần sa.

Ngoài ra, trang facebook này còn đưa nhiều trường hợp ví dụ đã dùng cần sa để chữa khỏi căn bệnh ung thư máu với những lời lẽ kêu gọi. Đó là đoạn viết trong bài Tinh dầu cần sa chữa khỏi ung thư máu cho 1 bé trai 3 tuổi, mặc dù bác sĩ nói cậu chỉ còn 48 tiếng sống. Trang mạng xã hội nói trên tràn ngập những câu hỏi và lời khuyên về cách dùng cần sa chữa bệnh. Dù ngay đầu trang mạng viết rõ trang này “Không buôn hay bán bất cứ một món đồ gì liên quan đến cần sa” nhưng trang này lại đưa ra nhiều địa chỉ để ai có nhu cầu có thể tự liên hệ mua cần sa.

Cần sa và dẫn chất cần sa không phải là thuốc chữa bệnh

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, chưa cần bàn đến những vấn đề khác nhưng ngay từ tên gọi của trang facebook “Cần sa y tế” đã có vấn đề dễ gây hiểu lầm cho người dân. Vì cần sa hay thuốc phiện đều là các loại cây làm nên các chất gây nghiện và tâm thần. Những cây cần sa hiện ở Việt Nam cấm trồng vì gắn với Luật Phòng chống ma túy. Nhưng trang mạng này lại gắn thêm chữ y tế vào sau từ cần sa để gây sự mập mờ cho cộng đồng. Như vậy, có thể nói trang facebook này đã vi phạm một lúc 3 luật: Luật Phòng chống ma túy, Luật Dược, Luật Khám, chữa bệnh.

Bởi theo Luật Khám, chữa bệnh, bất kể một phương pháp chữa bệnh nào, dùng thuốc hay không dùng thuốc đều phải được Bộ Y tế thừa nhận và cho phép. Thứ hai, trang này vi phạm Luật Dược bởi Luật Dược quy định chỉ những loại thuốc được phép đăng ký lưu hành (trong đó có thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất) đều phải nằm trong danh mục được Nhà nước cho phép và đây là cơ chế quản lý đặc biệt. Nếu sử dụng sai thuốc này là sử dụng trái phép chất ma túy.

Hơn nữa, trang facebook này dù không nói rao bán sản phẩm nhưng lại giới thiệu địa chỉ những nơi bán. Như vậy là một hành vi quảng cáo sản phẩm cấm. Luật Quảng cáo quy định chỉ được phép quảng cáo các phương pháp chữa bệnh đã được phép và có xác nhận các cơ quan chức năng của Bộ Y tế. Nếu chưa được xác nhận thì không được quảng cáo. Nếu vi phạm, sẽ đối chiếu với các điều luật để xử lý.

Dưới góc độ của người chuyên nghiên cứu và điều trị ung thư, PGS.TS. Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K Trung ương cho biết, cần sa và các dẫn chất của cần sa không phải là thuốc điều trị ung thư. Tuy có một số chế phẩm được chiết xuất từ cần sa có vận dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư nặng ở giai đoạn cuối để giảm đau, hạn chế triệu chứng như nôn, mệt mỏi nhưng cách dùng và liều lượng như thế nào thì cần có chỉ định của bác sĩ. Cần lưu ý, nếu sử dụng cần sa trong thời gian lâu dài sẽ gây ra hậu quả khó lường: gây nghiện, nôn, buồn nôn, các bệnh tim mạch, các biến chứng tiêu hóa. Các trường hợp dùng thuốc và đặc biệt thuốc gây nghiện thì cần có đơn của bác sĩ. Nếu sử dụng cần sa quá 7 ngày sẽ dẫn tới khả năng gây nghiện cao.

PGS.TS. Trần Văn Thuấn khuyến cáo, người mắc bệnh ung thư không phải là dấu chấm hết. Điều quan trọng là không được bỏ dở liệu trình điều trị do các bác sĩ đưa ra để đi theo các cách chữa bệnh khác. Như vậy sẽ làm mất đi thời gian vàng điều trị bệnh và rút ngắn cuộc sống của người bệnh. Nếu đã bị ung thư thì cần điều trị bằng biện pháp chính thống. Việc kết hợp các phương pháp tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh cụ thể và theo chỉ định của thầy thuốc.

Theo Thanh Loan

Sức khoẻ & Đời sống