Sử dụng thuốc nội tăng ở tất cả các bệnh viện

(Dân trí) - Sau 10 năm triển khai đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, thuốc nội đã dần có chỗ đứng trong các bệnh viện, khi mà tỷ lệ sử dụng thuốc nội gia tăng ở tất cả các tuyến. Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.

Thống kê của Bộ Y tế năm 2018 cho thấy tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước đều tăng lên ở tất cả các tuyến bệnh viện. Cụ thể, tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng 57,03%, nếu tính cả tuyến huyện và tỉnh thì tăng 63,53%.

Sử dụng thuốc nội tăng ở tất cả các bệnh viện - 1

Thống kê trong cả nước cho thấy trên 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước. Ví dụ giá trị sử dụng thuốc trong nước trên toàn tỉnh Phú Yên từ 83,13% (năm 2015) tăng đến 87% (năm 2018). Sở Y tế Quảng Bình, Tuyên Quang, Kon Tum, Hậu Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Long An có tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc nội chiếm từ 70% đến 76,9%trên tổng giá trị sử dụng năm 2018.

Nhiều bệnh viện tuyến trung ương đạt tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước cao và đạt mục tiêu đề ra, như Bệnh viện TW 71 Thanh Hóa, Bệnh viện tâm thần TW 2, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Nội Tiết TW, Bệnh viện Phong da liễu TW Quy Hòa,… đạt tỷ lệ từ 30,43% đến 52,8%.

Bên cạnh việc gia tăng tỷ lệ sử dụng trong nước, các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước cũng không ngừng nỗ lực để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đưa ra thị trường các thuốc có hiệu quả điều trị cao, chứng minh tương đương sinh học với biệt dược gốc, sản xuất các sản phẩm dạng bào chế hiện đại, sản xuất các thuốc chuyên khoa đặc trị.

Theo đó, đến nay thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; sản xuất được 12/13 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đặt mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế đã đề ra 04 nhóm giải pháp cơ bản: Một là giải pháp về cơ chế chính sách; hai là giải pháp đối với cơ sở y tế và thầy thuốc; ba là giải pháp đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc; bốn là các giải pháp về truyền thông.

Về lĩnh vực sản xuất thuốc, Bộ Y tế có các quy định ưu tiên nâng cấp nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP, ưu tiên cấp giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc ít số đăng ký, dạng bào chế đặc biệt, thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc chuyển giao công nghệ sản xuất, thuốc có báo cáo tương đương sinh học.

Hiện cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S. Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.

Tú Anh