Sự cố 4 trẻ sơ sinh tử vong: Báo động đỏ với ngành y tế

Đại biểu QH Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho rằng việc 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bắc Ninh là báo động đỏ với ngành y tế về vấn đề nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Chính bố bà trước đây cũng đã mất vì nguyên nhân nhiễm khuẩn khi vào viện điều trị.

Đại biểu QH Phạm Khánh Phong Lan trả lời về tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện - Ảnh: Văn Duẩn
Đại biểu QH Phạm Khánh Phong Lan trả lời về tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện - Ảnh: Văn Duẩn

Liên quan đến sự cố 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, sáng 22/11, trao đổi với Báo Người Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM), bày tỏ: "Đây là một vụ việc rất đau lòng. Vấn đề nhiễm khuẩn trong bệnh viện không phải là vấn đề mới và trước đây cũng đã có nhiều trường hợp tử vong vì nguyên nhân này".

"Tuy nhiên, với việc cùng lúc 4 trẻ sơ sinh tử vong là tín hiệu báo động đỏ đối với ngành y tế"- bà Lan nói tiếp.

Theo phân tích, vị đại biểu nguyên là phó giám đốc Sở Y tế TP HCM khẳng định thực tế, trong môi trường bệnh viện ở nước ta hiện nay đang có dày đặc các loại vi khuẩn và nhiều loại khuẩn giờ đã kháng thuốc, không thể chữa nổi.

"Thậm chí, nhiều bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện còn nguy hiểm hơn cả bệnh lý mà bệnh nhân mắc phải, nhất là đối với người già, trẻ sinh non, sơ sinh, sức đề kháng yếu... thì càng dễ bị các vi khuẩn dày đặc trong bệnh viện tấn công. Nhiều người chết do bị nhiễm khuẩn chứ không phải do bệnh lý"- ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM chia sẻ thêm, chính bố bà trước đây cũng đã mất vì nguyên nhân nhiễm khuẩn khi vào viện điều trị.

"Bố tôi trước đây bị mổ, sức khỏe yếu vào bệnh viện điều trị xuất huyết tiêu hóa nhưng sau khi điều trị bệnh chính xong lại sốt, kiểm tra thấy phát hiện biến chứng qua viêm phổi, đồng thời, bác sĩ xác định, nguyên nhân do khuẩn bệnh viện gây ra. Vì viêm phổi phải dùng kháng sinh và nâng dần liều lên, đến khi chữa xong thì ông lại bị suy đa phủ tạng, suy thận và mất do chịu không nổi"- vị ĐB công tác trong ngành y chia sẻ.

Từ câu chuyện của gia đình và vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong, bà Lan cũng chỉ rõ thực tế, dù ngành y tế, nhiều bệnh viện thừa nhận tình trạng nhiễm khuẩn trong viện rất nguy hiểm nhưng việc nhận thức để đưa vào thành vấn đề hành động vẫn chưa kịp thời.

Do đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện cần phải được "nghiêm túc xem xét toàn diện".

"Bệnh viện nhỏ, bệnh viện nghèo, nhưng ít bệnh nhân cũng chưa đến nỗi. Những bệnh viện tuyến cuối ở trung ương, thì tình trạng nhiễm khuẩn rất nguy hiểm, bởi hầu như những vi khuẩn này đã kháng thuốc, không thể diệt nổi"- bà Lan nói.

"Vì vậy, cần phải xem lại lưu lượng bệnh nhân, phải đầu tư để xây thêm bệnh viện để giảm tải, và quy trình giữ gìn vệ sinh bệnh viện phải đảm bảo hơn".

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng tình trạng quá tải bệnh viện, nhất ở các tuyến trung ương, tuyến cuối cũng là môi trường rất "lý tưởng" để các loại khuẩn dễ tấn công người bệnh. "Ngay việc chuyển các em sinh non, yếu ở bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh lên Trung ương điều trị tôi cũng rất lo bởi thời tiết những ngày qua lạnh, việc di chuyển xa, trên xe như thế cũng rất dễ nhiễm phải các khuẩn. Rồi đưa vào các bệnh viện như Nhi Trung ương thì điều kiện chưa chắc đã tốt nên vẫn đặt các bé vào nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn"- bà Lan bày tỏ.

Bộ Y tế cần có biện pháp giải quyết căn cơ, cụ thể, "chứ còn cứ giật gấu, vá vai hay lúc xảy ra vụ việc mới cuống cuồng lên giải quyết thì không giải quyết được"- bà nói.

"Phải hành động để giải quyết căn cơ, chứ đừng nói mãi để rồi người bệnh vẫn cứ chết như thế. Chuyện khác có thể sửa chữa nhưng mạng người thì không thể sửa được..."-bà Lan nhấn mạnh.

"Rồi tình trạng quá tải bệnh viện khiến tình trạng nhiễm khuẩn ngày càng trầm trọng. Chúng ta cứ nói đau xót và đau xót. Nhưng có chi tiền để xây thêm bệnh viện để giải quyết tình trạng đó hay không? chứ nếu không thì chúng ta cứ than thở và thương xót mãi thôi, mà người chết thì vẫn chết nữa"- bà Lan nói.

Theo Văn Duẩn

Người lao động