Stress thế này, không dị ứng mới lạ

Nghịch lý là chuyện gần như bình thường trong ngành y. Bằng chứng là không thiếu thuốc chống dị ứng nhưng số người ngứa ngáy, ho hen … vẫn tiếp tục tăng nhanh như… giá thuốc.

Stress thế này, không dị ứng mới lạ


 

 

Theo thống kê năm vừa qua ở CHLB Đức, nơi tình trạng ô nhiễm môi trường chắc chắn không bằng bên mình, nơi thừa thuốc đặc hiệu lại thêm không thiếu thầy thuốc chuyên khoa, số người dị ứng từ nhẹ như sổ mũi, mề đay đến nặng như hen suyễn, đã tăng 3 lần nếu so với 5 năm trước đây.

 

Chuyện không hề nhỏ nếu cứ 3 người dân Đức thì có một người phải dùng thuốc chống dị ứng, nghĩa là toàn nước Đức có hơn 25 triệu khách hàng thân thiết của thuốc chống dị ứng. Tổ chức Y tế Thế giới ắt có lý do chính đáng khi xếp dị ứng vào danh sách top ten của “bệnh thời đại” đồng thời đặt tên cho dị ứng là cơn dịch ở các nước phương Tây. Nói như thế chưa hẳn đã chính xác vì bệnh dị ứng không chỉ hoành hành bên trời tây.

 

Bên ta cũng vậy, không chừng còn nặng hơn. Ai chưa tin chỉ cần đếm số thuốc chống dị ứng đang được tiêu thụ hàng ngày ở xứ mình là rõ.

 

Có một điều chắc chắn: dị ứng thường trông mặt đặt tên vì trong cùng điều kiện sinh hoạt không hẳn ai cũng dị ứng như ai. Rõ ràng là có người chai lì, có kẻ quá nhạy cảm tùy theo hiệu năng của hệ miễn dịch. Bệnh nặng hay nhẹ còn tùy hình thức dị ứng: sơ sơ bên ngoài như ngoài da, viêm mắt, viêm mũi dị ứng, hay sâu vào bên trong như rối loạn tiêu hóa, phù mặt, hen suyễn, hoặc nghiêm trọng hơn nữa dưới dạng cơn cao huyết áp hay choáng phản vệ.

 

Điểm lý thú theo kết quả nghiên cứu còn nóng hổi ở CHLB Đức, đứng hàng đầu trong các nguyên nhân sinh dị ứng lại vô hình. Đó là STRESS! Gặp chất sinh dị ứng hữu hình như món ăn, hóa chất … chữa bệnh còn nhiêu khê, huống hồ thủ phạm lại chính là sự căng thẳng hàng ngày của cuộc sống.

 

Bệnh khó chữa vì nếu một trong các nguyên tắc phòng tránh dị ứng là “tránh voi chẳng xấu mặt nào” thì dễ gì phòng tránh khi stress bám chặt nạn nhân hơn đỉa đói. Đó chính là lý do tại sao số nạn nhân dị ứng tăng nhanh đến thế. Không cần dông dài cũng hiểu thuốc chống dị ứng dùng trong trường hợp này chỉ là chữa cháy cầm canh chờ đến khi lờn thuốc.

 

Cũng không có gì khó hiểu nếu có nhiều báo cáo y học bảo rằng có nhiều trường hợp dị ứng chữa cả năm bằng thuốc, trong uống đủ thứ, ngoài thoa lung tung vẫn không khỏi, nhưng lại thuyên giảm thấy rõ sau khi nạn nhân tập … thiền(!), sau khi bệnh nhân đổi … sếp(!).

 

Nhiều tổ chức y tế ở châu Âu từ lâu đã khuyến cáo người dân nhanh chân tìm đến thầy thuốc nếu phát hiện dị ứng xảy ra quá đà vì đó là dấu hiệu cảnh báo cho thấy trục trặc của sức đề kháng của cơ thể. Cần gõ cửa thầy thuốc càng sớm càng tốt, không chỉ vì dị ứng mà để phăng cho ra đâu là chỗ “mặt trận hở sườn” trước khi nhiều bệnh chứng khác nghiêm trọng hơn nhiều thừa nước đục thả câu.

 

Cái kẹt chính lại ở chỗ: nếu thầy thuốc còn stress hơn bệnh nhân thì chạy thầy chạy thuốc chẳng khác nào chạy ô mồ mắc ô mả.

 

Theo BS Lương Lễ Hoàng

Lao động