Sốt đùng đùng 39 – 40 độ, cẩn trọng khi dùng aspirin, ibuprofen

(Dân trí) - Sốt xuất huyết (SXH) hai ngày đầu bệnh nhân thường chỉ biểu hiện sốt cao 39 – 40 độ, ngoài ra không có thêm triệu chứng gì khác. Lúc này, nếu dùng thuốc aspirin hay thuốc có hoạt chất ibuprofen để hạ sốt sẽ rất nguy hiểm, do chưa thể loại trừ hoàn toàn SXH hay sốt thông thường.

Khó nhận biết

Ngày 13/7, tại hội thảo báo chí về tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh mùa hè, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 45.000 ca mắc sốt xuất, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tử vong 14 trường hợp.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, đang trong mùa dịch SXH, khi bỗng dưng sốt cao 39 - 40 độ không tùy tiện dùng các loại thuốc hạ sốt khác ngoài paracetamol và cần đến viện khám. Ảnh: H.Hải
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, đang trong mùa dịch SXH, khi bỗng dưng sốt cao 39 - 40 độ không tùy tiện dùng các loại thuốc hạ sốt khác ngoài paracetamol và cần đến viện khám. Ảnh: H.Hải

Số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Trung. Riêng Hà Nội tăng 300%, với trên 900 ca mắc mới mỗi tuần. TP HCM hiện là địa phương ghi nhận số mắc cao nhất với hơn 10.000 ca, sau đó là Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội…

Trong khi đó, SXH giai đoạn đầu chỉ có biểu hiện duy nhất là sốt cao nên rất dễ nhầm với cảm cúm, các trường hợp sốt vi rút khác. Không phải cơ sở y tế nào cũng chẩn đoán đúng ngay SXH từ ban đầu mà thường phải theo dõi cơn sốt mới có thể chẩn đoán.

Với SXH, khi dùng paracetamol hạ nhiệt nhưng chỉ được thời gian ngắn, sau đó tiếp tục sốt cao. Người bệnh thường sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày. Từ ngày thứ hai trở đi bệnh nhân đã có biểu hiện xuất huyết dù là tối thiểu. Các ngày sau, triệu chứng rõ ràng hơn. Một số người có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam, hoặc chấm xuất huyết dưới da. Phụ nữ xuất hiện hành kinh sớm hơn chu kỳ bình thường, kỳ kinh kéo dài hơn bình thường.

Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng biểu hiện như thế, có người chỉ sốt, nhưng sau vài ngày đã dẫn đến sốc, trụy mạch, chảy máu nội tạng…

“Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bắt đầu bước vào cao điểm của mùa SXH, vì thế trong thời điểm này, khi bỗng nhiên sốt cao đột ngột 39-40 độ, nhất là ở trong vùng có người bị SXH, người bệnh cần nghĩ đến nguy cơ này để tự theo dõi và đến bệnh viện khám để được theo dõi điều trị”, TS Phu khuyến cáo.

TS Phu cũng khuyến cáo trong thời điểm dịch SXH như hiện nay, BS lâm sàng phải có nhạy cảm về dịch tễ để phát hiện, theo dõi SXH sớm.

Chỉ nên dùng hạ sốt paracetamol

TS Phu cho biết, trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế khuyến cáo rõ ràng, người dân khi bỗng dưng sốt cao chỉ nên dùng paracetamol để hạ sốt (tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/24h); không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị cho đến khi khẳng định được không phải do SXH. Vì những thuốc này có thể gây xuất huyết, toan máu.

Về vấn đề này, BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) cũng cảnh báo gặp nhiều bệnh nhi bị biến chứng do bố mẹ lạm dụng những nhóm thuốc hạ sốt vốn bị hạn chế sử dụng vì nhiều nguy cơ.

“Do nhiều bố mẹ lo lắng khi con sốt, khi dùng paracetamol rất lành, nhưng hạ sốt không sâu, thời gian tái sốt nhanh là cuống cuồng tìm loại thuốc khác thay thế. Như ibuprofen rất dễ bị lạm dụng bởi một thời gian, khi bệnh nhi sốt do tay chân miệng bác sĩ kê thuốc hạ sốt nhóm này, rất tốt vì vừa hạ sốt, vừa chống viêm, giảm phản ứng viêm.

Nhưng với SXH mà dùng ibuprofen lại rất nguy hiểm.Do khi trẻ bị SXH, tiểu cầu giảm rất nặng, dùng thuốc này bị ảnh hưởng đến đông máu thì nguy cơ chảy máu càng cao hơn, thậm chí có em bé chảy máu ào ạt. Đã từng tiếp nhận bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết ngày 3 - 4, sốt cao 39 - 40 độ, dùng paracetamol không hạ sốt hiệu quả mẹ em bé đã chủ động đổi thuốc nên bị nôn ra máu”, BS Hải nói.

Bác sĩ Hải cho biết, loại thuốc được ưu tiên dùng, ít tác dụng phụ với trẻ nhất vẫn là paracetamol với liều 15/kg cân nặng từ 4 - 6 tiếng uống một lần khi trẻ sốt 38,5 độ trở lên.

Trong thời gian chờ thuốc hạ sốt có tác dụng, cha mẹ có thể chườm ấm cho trẻ vùng nách, bẹn để hạ sốt, cho trẻ uống nhiều nước oresol, nước trái cây để hạ sốt. Nên mặc thoáng mát cho trẻ.

Nếu thấy có bất thường cần đến viện khám, kiểm tra ngay. Tuyệt đối không tự ý dùng phối hợp thuốc, không dùng các nhóm hạ sốt khác ngoài paracetamol nếu chưa được bác sĩ chỉ định để phòng rủi ro, nguy cơ cho trẻ.

Mất 27 triệu đồng vì sốt xuất huyết

TS Phu khuyến cáo mọi người không chủ quan vì SXH, nó có nguy cơ đe dọa sức khỏe, tốn kém tiền điều trị. Ông đã biết trường hợp gia đình vài người bị SXH cùng lúc, chi phí điều trị mất đến 27 triệu đồng.

Trong khi để phòng bệnh SXH, ý thức người dân là quan trọng nhất. Qua kiểm tra thực tế cho thấy tại Hà Nội vẫn còn nhiều hộ dân chưa làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch; chưa có ý thức trong việc loại bỏ tác nhân chứa lăng quăng, bọ gậy; không hợp tác khi nhân viên y tế đến phun muỗi. Bên cạnh đó, Hà Nội có khoảng 12.000 các lốp ô tô cũ - đây cũng chính ổ chứa bọ gậy.

“Ngoài ra, trong các vỏ bơ, vỏ hộp sữa chua vứt ra vườn… đều có thể là ổ bọ gậy do trữ nước, muỗi vào đẻ trứng. Hay đi kiểm tra các bình hoa (bình bông) thắp hương ngoài sân để lộ thiên đều là ổ bọ gậy; hay những người chơi cây vạn liên thanh, nước tồn đọng lâu ngày kiểm tra cũng có bọ gậy”, TS Phu nói.

Để phòng bệnh, người dân tích cực thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng (như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ...).

Hồng Hải