Sống gần các trục đường lớn làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi thêm 10%

(Dân trí) - “Sống trong phạm vi 50 mét trở xuống tính từ các trục đường lớn có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi thêm 10%” – Kết quả giật mình này được đưa ra bởi Đại học danh giá bậc nhất của Vương quốc Anh.

Với mật độ giao thông cực kì cao, các trục đường lớn là nguồn phát sinh của nhiều tác nhân gây ô nhiễm không khí, điển hình là bụi và các sản phẩm của quá trình đốt nhiên liệu.

Việc tiếp xúc thời gian dài với không khí ô nhiễm đặc trưng của đường phố sẽ có thể dẫn đến nhiều căn bệnh liên quan đến hệ tim mạch và đường hô hấp, điển hình như đột quỵ, ngưng tim, viêm cuống phổi, làm trì trệ sự phát triển của phổi trẻ em và thậm chí là ung thư phổi.

Sống gần các trục đường lớn làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi thêm 10% - 1

Nhằm thúc đẩy việc ban hành một bộ luật mới về giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Vương Quốc Anh, các nhà khoa học tại nước này đã công bố nhiều con số “biết nói” về những ảnh hưởng của vấn nạn này đến sức khỏe của con người.

Đáng chú ý, một nghiên cứu đến từ trường Đại học King (một trong những trường đại học danh giá và giàu truyền thống nhất đảo quốc sương mù) chỉ ra rằng, việc sống gần các con đường đông đúc có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi lên 10%, tăng nguy cơ đột quỵ lên 10% và tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch lên 6%. Được biết, có đến 1/3 dân số Luân Đôn hiện đang sống trong khu vực “đáng báo động” vừa được đề cập ở trên.

Cũng theo các số liệu tổng hợp được từ Đại học King, có đến 9000 trường hợp chết trẻ mỗi năm là do phơi nhiễm dài hạn với ô nhiễm không khí. Trong khi đó, ở quy mô toàn cầu con số này là 7 triệu người (theo WHO). Việc có thể làm giảm một nửa nồng độ của các tác nhân ô nhiễm không khí độc tính cao ở Luân Đôn, được chứng minh là có thể làm giảm 8% các ca mắc ung thư phổi phát hiện mới.

Sống gần các trục đường lớn làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi thêm 10% - 2

Theo các chuyên gia, bụi mịn PM 2.5 là tác nhân gây ô nhiễm không khí nguy hiểm hàng đầu với sức khỏe của con người. Bụi mịn PM 2.5 có khả năng thẩm thấu qua hệ thống mạch vào máu. Bên cạnh đó, các hạt bụi còn là vật chứa vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm mốc, đưa chúng xâm nhập vào cơ thể. Nhìn chung, bụi mịn sẽ ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, mắt, da, tim mạch và có thể gây ung thư.

Bên cạnh bụi mịn, trong không khí gần các trục đường lớn còn có  CO, SO2, NO2 thường phát sinh từ quá trình đốt các loại nhiên liệu. Mỗi chất có một tác động khác nhau đối với cơ thể, song cơ quan hô hấp vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (viêm nhiễm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi…). Ngoài ra, cũng phải kể đến các chất phụ gia trong xăng như styren, toluen và benzen phát sinh chủ yếu thông qua các phương tiện giao thông, đều có thể gây ung thư, đặc biệt là ung thư máu. Những đối tượng nhạy cảm nhất với không khí ô nhiễm là: trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người bị bệnh mãn tính”.

Minh Nhật

Theo FT